Bến Tre: Sắp hoàn thành dự án Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

Biển đảo - Ngày đăng : 14:17, 21/07/2020

(TN&MT) - Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Bến Tre đã và đang kết hợp với Viện Kỹ thuật Biển tập trung thực hiện việc cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển thuộc dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre”, theo quy định tại Thông tư 29/2016 của Bộ TN&MT.

Bến Tre đã và đang tập trung thực hiện việc cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển

Ông Dương Vĩnh Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN&MT tỉnh Bến Tre) cho biết, việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển để làm cơ sở cho việc quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trong phạm vi hành lang bờ biển được thiết lập đối với những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Ngay từ đầu năm 2020, Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Bến Tre cùng với Viện Kỹ thuật Biển tổ chức thiết kế vị trí mốc trên bản đồ ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, định vị sơ bộ vị trí mốc ngoài thực địa, đồng thời tiến hành cắm mốc giới trên thực địa hành lang bảo vệ bờ biển. Dự kiến đến tháng 10/2020, sẽ thực hiện xong hạng mục cắm mốc ranh giới và hoàn thành dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre”.

Theo ông Dương Vĩnh Thịnh, bờ biển tỉnh Bến Tre có chiều dài 65 km, phía Bắc giáp biển tỉnh Tiền Giang, phía Nam giáp biển tỉnh Trà Vinh. Trong những năm qua, do tác động của BĐKH, sóng lớn, triều cường, bão lũ... nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở làm thiệt hại rất lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội cũng như đời sống của dân cư ven biển.

Qua thống kê, dọc theo bờ biển Bến Tre có 15 khu vực xảy ra hiện tượng xói lở vừa và mạnh với tổng chiều dài sạt lở khoảng 42 km, có 05 khu vực xảy ra bồi lắng bờ biển với tổng chiều dài bồi lắng khoảng 14 km, có 03 khu vực khá ổn định hoặc bị xói bồi xen kẻ theo năm với tổng chiều dài khoảng 6,5 km.

Quy luật bồi xói tại khu vực ven biển tỉnh Bến Tre là bồi vào mùa Tây Nam và xói vào mùa Đông Bắc (gió chướng). Nhưng lượng xói lở vào mùa Đông Bắc nhiều hơn lượng bồi mùa Tây Nam dẫn tới làm mất cân bằng tại những khu vực này, điều này làm cho bờ biển tại Bến Tre ngày càng bị xói lở mạnh.

Thời gian qua, do tác động của BĐKH, sóng lớn, triều cường, bão lũ... bờ biển tại Bến Tre ngày càng bị xói lở mạnh

Trước đó, ngành TN&MT Bến Tre đề xuất tổng số có 21 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển từ Cửa Đại đến cửa Sông Cổ Chiên với chiều dài khoảng 50km. Vị trí các khu vực cần bảo vệ là khu du lịch bãi biển, phía trên là mảng rừng, đất trồng cây hoa màu và các vuông nuôi trồng thủy sản của người dân.

Trong đó, đoạn bờ biển xã Thừa Đức, xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) chiều dài trên 12km là khu vực có hiện tượng xói bồi xen kẻ. Đây là khu vực bãi bồi vùng cửa sông, có nhiều bãi nghêu góp phần làm nên thương hiệu nghêu nổi tiếng của Bến Tre, đã tạo công ăn việc và điều kiện kinh tế làm cho hàng ngàn lao động trong khu vực.

Đối với địa bàn huyện Ba Tri có chiều dài gần 13km, những năm gần đây sóng biển tác động làm xói lở rất mạnh. Mỗi năm sự xâm thực của biển lấn sâu từ 20-30m làm hư hao các công trình phúc lợi xã hội, mất rừng phòng hộ, mất diện tích đất canh tác hoa màu, đất nuôi trồng thủy sản và tác động rất lớn đến đời sống dân sinh.

Trong đó, bờ biển khu vực Cồn Ngoài, thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri có chiều dài sạt lở 4km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài; khu vực bãi bắn của Quân sự huyện Ba Tri bị sạt lở nghiêm trọng và mất hàng cây phi lao ven biển.

Riêng bờ biển Thạnh Phú, chiều dài được thiết lập hành lang bảo vệ là trên 20km thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Nơi đây có nhiều khu du lịch sinh thái, bãi tắm, hệ sinh thái rừng ngập mặn, phòng hộ… Trong những năm gần đây, dưới tác động của sóng biển, bờ biển đoạn này bị sạt lở khá mạnh bình quân mỗi năm từ 10-30m làm mất dần diện tích rừng, đất canh tác hoa màu và có nguy cơ sạt lở sâu vào trong khu du lịch ven biển và đất nuôi trồng thủy sản của người dân…

Việc thiết lập và quản lý hiệu quả hành lang bảo vệ bờ biển sẽ đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Do vậy, việc thiết lập và quản lý hiệu quả hành lang bảo vệ bờ biển sẽ đóng góp đáng kể vào việc quản lý bền vững hệ thống ven biển, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, bảo vệ các quần thể trước nguy cơ ngập lụt xói lở, bồi tụ vùng ven biển.

Ngoài ra, để nhằm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên ven biển và các nguồn lợi khác một cách hợp lý, khoa học, tỉnh Bến Tre đã tập trung xây dựng hoàn thành dự án “Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Đặc biệt, hằng năm, tỉnh Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Biển và Hải đảo Việt Nam. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Bến Tre cũng đã định hướng xây dựng các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển trên địa bàn 3 huyện biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống y tế, giáo dục góp phần nâng cao đời sống người dân vùng ven biển.

“Bến Tre đã và đang đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là thường xuyên thông tin tuyên truyền phổ biến về vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường biển, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển đối với đời sống của người dân vùng ven biển trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển tỉnh Bến Tre” - ông Dương Vĩnh Thịnh nhấn mạnh.

Bạch Thanh