Phòng ngừa và ứng phó với sự cố hóa chất
Môi trường - Ngày đăng : 14:11, 21/07/2020
Thành phố có hơn 100 “quả bom nổ chậm”
So với vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân-Hà Nội) vào tháng 8/2029, công tác xử môi trường sau vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) vừa qua được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dư luận chưa hoàn toàn yên tâm về chất lượng môi trường sau vụ cháy và không khỏi lo ngại về mức độ an toàn tại các kho chứa hóa chất khác nằm trong khu dân cư.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 108.568 doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất và hầu hết các doanh nghiệp khác đều sử dụng hóa chất trong công đoạn sản xuất. Đặc biệt, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 117 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời khỏi địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có nhiều cơ sản xuất hóa chất với số lượng lớn.
Đám cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt cách cây xăng Đức Giang 700m và gần khu dân cư. Ảnh: Quỳnh An |
Theo các nhà khoa học, các hoạt động liên quan đến hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người và môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất hóa chất lớn, địa phương và chủ doanh nghiệp thường chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất. Tuy nhiên, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý các cơ sở sản xuất hóa chất nhỏ lẻ. Đặc biệt, những địa phương nơi có nhà máy sản xuất hóa chất lại không phải là cơ quan cấp phép hoạt động cho các nhà máy này nên càng khó khăn trong công tác quản lý.
Nêu cao trách nhiệm của chủ cơ sở
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, Sở đã thành lập 3 tổ công tác liên ngành thành phố làm việc với từng quận và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở ý kiến của Ban Đô thị, các nhà khoa học… Sở tiếp tục rà soát danh mục cơ sở nhà đất phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ra khỏi khu vực nội đô. Sở cũng tham mưu UBND thành phố xem xét danh mục cơ sở nhà đất phải di dời vào kỳ họp trong năm 2020.
Đồng thời, Sở đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, đặc biệt chú trọng đến việc thanh, kiểm tra , xử lý vi phạm môi trường tại các cơ sở sản xuất hóa chất trên địa bàn thành phố.
Trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng di dời các nhà máy sản xuất hóa chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố môi trường, nhiều nhà khoa học cho rằng, Hà Nội cần có phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó khi sự cố môi trường xảy ra. Đặc biệt là phải có kịch bản nhằm sơ tán và bảo vệ hiệu quả sức khỏe người dân và môi trường sống.
Để làm được việc này, các sở ngành liên quan cần phối hợp trong các tác tập huấn kiến thức về an toàn hóa chất và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại doanh nghiệp, địa phương. Đồng thời, tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm kế hoạch, biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất của các doanh nghiệp sản xuất hóa chất.
Tại các địa phương, các chủ cơ sở sản xuất hóa chất phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Hóa chất. Theo đó, bên cạnh trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hóa chất, pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, an toàn lao động, chủ cơ sở sản xuất hóa chất phải phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến công khai cho cộng đồng dân cư thông tin về biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường; nội dung cơ bản của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của doanh nghiệp.