Đưa giá trị di sản địa chất vươn tầm thế giới: Sát cánh vì sự phát triển vùng di sản
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:34, 21/07/2020
Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Trần Tân Văn - Trưởng Tiểu ban Chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
PV: Với tư cách là thành viên trong Hội đồng thẩm định, tái thẩm định Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, ông có thể nêu rõ về quá trình hình thành và phát triển Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông?
Ông Trần Tân Văn:
Ngày 7/7, tại trụ sở UNESCO ở Paris, Ủy ban Chương trình và Quan hệ Quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã chuẩn y đề nghị của Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.
Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Trần Tân Văn trao đổi với phóng viên |
Qua 5 năm hình thành và phát triển, đến nay, Công viên Địa chất Đắk Nông đã đạt được một số kết quả nhất định, từng bước hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí để có được danh hiệu danh giá này.
Sau khi các nhà khoa học, lúc đầu từ Bảo tàng Địa chất (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cùng với Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản, đã giúp tạo dựng một số cơ sở khoa học bước đầu và sơ bộ đánh giá triển vọng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu, tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thành lập Công viên Địa chất, lúc đầu gọi là Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, diện tích khoảng 2.000 km2, sau đổi tên thành Công viên Địa chất Đắk Nông, diện tích hơn 4.700 km2, bao gồm 5 huyện Krông Nô, Cư Jut, Đăk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.
Trong quá trình Công viên Địa chất Đắk Nông hình thành, vận hành, phát triển và được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, Viện KHĐC&KS cùng chuyên gia tư vấn quốc tế - ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, Chủ tịch Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO - đã hỗ trợ UBND tỉnh Đắk Nông về nhiều mặt chuyên môn và kỹ thuật như: Triển khai điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, đề xuất xếp hạng tổng thể các loại hình di sản trong vùng Công viên Địa chất, xác định phạm vi, ranh giới Công viên Địa chất, xác định các tuyến tham quan, xây dựng các bảo tàng, nhà triển lãm, trung tâm thông tin...
Đồng thời, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế cũng giúp tỉnh Đắk Nông hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO để xem xét, công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.
PV: Trong quá trình thực hiện dự án và thành lập hồ sơ cho Công viên Địa chất Đắk Nông, Viện đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Tân Văn:
Chúng tôi đã hỗ trợ tỉnh Đắk Nông trong việc điều tra, khảo sát bổ sung cũng như xác định ranh giới Công viên Địa chất. Bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO, Viện cũng tư vấn giúp tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý và chương trình hành động hàng năm và 4 năm.
Sắp tới, Viện tiếp tục tư vấn tỉnh Đắk Nông hình thành nên tuyến tham quan thứ 4. Đồng thời, tư vấn giáo dục cộng đồng về di sản và Công viên Địa chất, Chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, khoanh vùng bảo tồn di sản. Cùng với đó, chúng tôi đề xuất phương án phát huy giá trị di sản, làm cơ sở để tỉnh Đắk Nông điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập mới nhiều quy hoạch khác như: Quy hoạch khu du lịch quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng Công viên Địa chất...
Trong thời gian thực hiện hồ sơ để trình lên UNESCO, Viện đã gặp rất nhiều áp lực về mặt thời gian do UNESCO chỉ nhận hồ sơ trong khoảng thời gian tháng 10 - 11 hàng năm. Những cơ sở khoa học cần thiết cho việc xây dựng hồ sơ Viện phải điều tra, khảo sát hoặc thu thập, tổng hợp từ trước đó. Một hồ sơ chính chỉ có 50 trang nhưng phần phụ lục kèm theo lại đến cả nghìn trang. Vì thế hồ sơ phải đảm bảo nội dung vừa súc tích, ngắn gọn, vừa thể hiện được đầy đủ các giá trị di sản, đồng thời lại phải được thiết kế đẹp, hấp dẫn. Một Công viên Địa chất có rất nhiều vấn đề cần đề cập và để trình bày, thể hiện được một cách toàn diện, thấu đáo sẽ cần rất nhiều trang viết nhưng yêu cầu của UNESCO lại chỉ được gói gọn trong 50 trang tiếng Anh, vì vậy, có phần phụ lục rất dày.
Theo tôi, để có thể xây dựng thành công Công viên Địa chất cần có sự đồng thuận của tất cả chính quyền và cộng đồng địa phương các cấp, chỉ có thế mới xây dựng hồ sơ, vận hành, quản lý Công viên Địa chất một cách thuận lợi. Đối với các Công viên Địa chất khác cũng như vậy, phải được chính quyền, cộng đồng địa phương đồng thuận ở mức cao nhất, tỉnh phải thực sự mong muốn xây dựng Công viên Địa chất, nỗ lực của các chuyên gia tư vấn, nhiều tổ chức khác, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, mới có thể có kết quả, và đó cũng là một trong những yêu cầu tiên quyết mà UNESCO đề ra.
PV: Thời gian tới, Viện sẽ đưa ra giải pháp gì nhằm giúp tỉnh Đắk Nông thúc đẩy phát triển du lịch tại Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông và Viện có dự định khảo sát và hướng đến Công viên Địa chất nào khác không, thưa ông?
Ông Trần Tân Văn:
Dự kiến, trong năm nay, Công viên Địa chất Đắk Nông sẽ xây dựng thêm tuyến tham quan thứ 4, đồng thời, tiếp tục thực hiện một số tuyến đi bộ ở Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung hoặc Khu rừng bảo vệ cảnh quan Đray Sáp…
Viện sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc điều tra tổng thể, tìm thêm những điểm có tiềm năng để khách du lịch có thể cảm nhận được các giá trị di sản, quảng bá giá trị di sản để phát triển du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và Công viên Địa chất.
Phú Yên, Gia Lai, Kiên Giang, Sơn La cũng rất có tiềm năng và một vài bước đi đầu tiên hướng đến Công viên Địa chất cũng được thực hiện. Kỳ vọng trong tương lai không xa, Mạng lưới Công viên Địa chất Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm thành viên mới và sẽ tiếp tục lớn mạnh, để hội nhập một cách tích cực cùng thế giới.
Trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục hỗ trợ một số địa phương khác trong việc thành lập Công viên Địa chất, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Cụ thể, hiện nay, Viện đang tư vấn hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi thành lập Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, Công viên Địa chất này sẽ tiếp tục được vận hành, quản lý và được UNESCO thẩm định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!