Hà Nội mở đợt cao điểm xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều
Xã hội - Ngày đăng : 22:38, 18/07/2020
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành công văn số 2206/SNN-ĐĐ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Hà Nội xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng. Ảnh minh hoạ |
Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; trong đó, giao Sở NN&PTNT triển khai thực hiện Văn bản số 48/TB-PCTT-QLĐĐ, ngày 16/6/2020, của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đồng thời, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các quận, huyện, thị xã báo cáo trước ngày 10/8/2020.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm, tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố. Cụ thể: Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm tồn đọng; đặc biệt là các vụ việc vi phạm phát sinh từ đầu năm 2020 đến nay, đã được Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ đạo xử lý.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi phát sinh những vi phạm mới.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật về đê điều đến mọi người dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thỏa thuận, xin cấp phép trước khi có hoạt động liên quan đến đê điều; kiểm tra, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép ảnh hưởng đến an toàn của công trình đê điều;
Ngoài ra, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực lòng sông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, vận động các tổ chức, cá nhân trong địa bàn quản lý không khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép ở khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều và khu vực lòng sông…