Nhiều trở ngại khi ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 20:57, 17/07/2020

(TN&MT) - Nhiều năm nay, các sản phẩm khoa học, khoa học và công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp vẫn còn gặp một số trở ngại, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

Ông Nguyễn Văn Dân – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần nông sản Stevia Tây Bắc trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dân – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần nông sản Stevia Tây Bắc (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).

PV: Được biết, Công ty Cổ phần nông sản Stevia Tây Bắc đang chuyển giao công nghệ và công trình kĩ thuật cho các hộ cũng như Hợp tác xã. Xin ông cho biết, quá trình chuyển giao hiện đến đâu và kết quả bước đầu ra sao? Trong quá trình chuyển giao, gặp phải khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Dân: Hiện tại chúng tôi đang chuyển giao 1 số quy trình trồng cải bắp, cải thảo, dưa chuột, cà chua, hành lá… và 1 số rau củ quả trái vụ cho bà con nông dân. Do điều kiện thời tiết ủng hộ nên các rau củ quả trồng trái vụ phát triển rất tốt.

Trong quá trình chuyển giao, chúng tôi gặp khó khăn do bà con vẫn quen với tập quán canh tác cũ, trồng những cây dễ trồng như ngô, lúa,… thu hoạch nhanh và đơn giản nhưng thu nhập không cao. Dần dần bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa, ngô sang các cây rau màu thì thu nhập cao hơn.

PV: Như khó khăn ông vừa chia sẻ, theo ông, làm thế nào để có thể thay đổi thói quen canh tác lâu đời của bà con?

Ông Nguyễn Văn Dân: Chúng tôi phải linh động sử dụng biện pháp “Đông, Tây y kết hợp”, nghĩa là có sự kết hợp của chính quyền, Hội phụ nữ, khuyến nông, Phòng NN&PTNT kết hợp với phía công ty.

Trước tiên, chúng tôi phải xây dựng mô hình làm điểm trước, để qua đó bà con thấy hiệu quả và làm theo. Cụ thể, mô hình điểm về trồng bắp cải cung cấp cho Nhà máy chế biến nông sản ICFood Sonla tại hai xã Chiềng khoa và xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ). Công ty đã cung cấp miễn phí cây giống, phân bón và cử kỹ sư tư vấn, giám sát theo dõi kỹ thuật cho bà con. Công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với bà con. Mô hình thực hiện trong 3 tháng, đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năng xuất trung bình đạt từ 40-45 tấn/ha, với thu nhập bình quân 80-100 triệu/ha/mô hình. Từ những mô hình điểm đó chúng tôi mới bắt đầu mở rộng diện tích, giao phân, cây giống và cung cấp cho bà con vật tư nông nghiệp để bà con trồng và chúng tôi thu mua lại toàn bộ của bà con.

PV: Được biết, công suất hiện tại của Nhà máy chế biến nông sản ICFood Sonla - đối tác của công ty không đảm bảo vì nguồn nhiên liệu không đủ. Xin ông cho biết công ty đã giải quyết bài toán này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Dân: Thực ra bài toàn nguyên liệu đầu vào, nguyên tắc là phải mở rộng thêm vùng sản xuất và nâng cao quy trình kĩ thuật và đầu tư vào công nghệ cao, cơ giới hoá máy móc để giảm chi phí đầu vào. Chỉ có tăng năng xuất và giảm chi phí đầu vào thì giá thành sản phẩm mới thấp, đáp ứng được nhu cầu máy về số lượng. Khi áp dụng công nghệ, cơ giới hoá lên và đưa máy móc vào sẽ giúp giảm chi phí nhân công lao động và tăng năng suất, đây là yếu tố tiên quyết. Khi đã tăng năng suất rồi sẽ giảm chi phí giá thành trên đầu sản phẩm, bà con đạt lợi nhuận cao trong khi đó nhà máy sẽ dễ dàng mua nguyên liệu với hơn.

Tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, do điều kiện thời tiết ủng hộ nên các rau củ quả trồng trái vụ phát triển rất tốt

PV: Mặc dù công ty có ký hợp đồng cam kết với bà con về việc thu mua nông sản nhưng một số người dân vẫn bán ra ngoài. Ông có thể nói rõ nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Dân: Đó là vấn đề trở ngại muôn thuở từ xưa đến nay trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do thiếu niềm tin và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa bốn bên; nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học.

Hơn nữa, Vân Hồ là tỉnh miền núi nên vấn đề về khoa học công nghệ và giao thông hạ tầng gặp rất nhiều hạn chế. Tôi mong rằng bà con sẽ được đầu tư nhiều hệ thống thuỷ lợi, cơ sở bảo quản, chế biến,… và các dịch vụ đi kèm sản xuất. Đối với chúng tôi, mỗi khi thiết bị hay máy móc bị hỏng hóc, chúng tôi phải chuyển về Hà Nội để sửa chữa, khắc phục nên chi phí rất cao, đây chính là một hạn chế của công ty.

Hơn nữa, để thay đổi suy nghĩ và tập quán lâu dài của bà con, cũng cần có thời gian, chứng minh cho bà con thấy từng mô hình sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

PV: Với những kết quả mang lại thành công nhất định, trong thời gian tới, công ty sẽ định hướng phát triển và chuyển giao, cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Dân: Chúng tôi xác định 2 định hướng rất rõ. Định hướng về thị trường thứ nhất rau trái vụ cho bà con nông dân tăng thu nhập từ việc cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại các thành phố lớn; thị trường thứ 2 là cung cấp nguyên liệu với số lượng lớn cho nhà máy chế biến của chúng tôi xây dựng trên địa bàn huyện Vân Hồ.

Sắp tới công ty sẽ kết hợp với UBND huyện Vân Hồ, các phòng, ban liên quan để mở rộng quy mô sản xuất. Do điều kiện quỹ đất ở đây hầu hết là đất trồng lúa, đất canh tác dốc khó khăn trong việc tưới tiêu, nên chúng tôi phải mở rộng diện tích để canh tác, thuyết phục thêm nhiều bà con thanh lập nhiều tổ hợp tác xã, nhiều tổ sản xuất mở rộng diện tích để tăng năng suất, tăng số lượng, sản lượng bán ra.

Điều kiện canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống sẽ gây nhiều rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ đầu năm đến nay đã có 3 trận mưa đá rất to và thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là công nghệ, dịch vụ phụ trợ đi kèm ( bảo quản, chế biến…) để hỗ trợ bà con giảm thiểu thiệt hại của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai là vô cùng quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan (thực hiện)