Lập Thạch – Vĩnh Phúc: Cấp  phép “một đằng”, xe chở khoáng sản đi một nẻo?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:37, 17/07/2020

(TN&MT) - Thời gian qua, người dân địa phương xã Tử Du, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc phản ánh nạn xe tải hạng nặng chở đất chạy rầm rập suốt ngày, gây ô nhiễm môi trường tại khu đồi Cây Quýt, đồi Rộc Hóp, đồi Rừng Mỏ thuộc xã Tử Du.

 

Mỗi ngày có đến cả trăm chiếc xe tải 4, 6 chân kéo về “mua đất” rồi chở đi bán cho các nhà máy gạch. “Lá bùa” cho những hoạt động khai thác khoáng sản này là giấy phép khai thác đất phục vụ “thi công san lấp”…

Xe hổ vồ, đầu kéo trọng tải lớn tấp nập ra vào “ăn đất”.

Trao đổi với phóng viên, rất nhiều người dân ở thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa (huyện Lập Thạch) xin giấu tên đều cho biết: Thực tế những quả đồi ở khu vực này toàn là đất cao lanh có giá trị. Nhiều năm trước ở đây thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác đất cao lanh trái phép. Giờ thì các công ty về đây đã có “giấy phép” nên tình trạng khai thác diễn ra công khai, rầm rộ. Hậu quả, ngày nắng thì bụi bốc lên mù mịt, ngày mưa thì đường sá trươn trượt, lầy lội.  Con đường bê tông nhỏ hẹp, mà cứ xe to, xe nhỏ thi nhau chở đất, cầy xới, khiến người dân đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.  

Xe hổ vồ, đầu kéo trọng tải lớn tấp nập ra vào “ăn đất”.

Ông T.V.Đ, một người dân sinh sống gần ngay các điểm mỏ cho biết: Lúc đầu, bà con nhân dân tưởng những chiếc xe tải hạng nặng này là của Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc, nhưng khi các đối tượng là lái xe dừng nghỉ, chờ bốc hàng ở đây, thì qua tìm hiểu người dân được biết thông tin các xe tải đến đây chủ yếu là “đầu nậu”, có mối quan hệ “sân sau” với các nhà máy gạch, chuyên sản xuất gạch men, thiết bị vệ sinh… trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến mua về làm nguyên liệu sản xuất…

Trong những ngày thực tế tìm hiểu về những phản ánh của người dân, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã theo dõi một số xe tải chở đất từ các điểm mỏ của Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc thì thấy, những phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Đất có giấy phép khai thác để đi san lấp mặt bằng cho các dự án, các công trình, nhưng lại được chở đi chỗ khác, không đúng địa chỉ…

Đường bê tông liên xã nhỏ hẹp, bị xe “hổ vồ” chiếm hết lòng đường.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Ngày 01/8/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản số 1748/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho phép Cty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc được phép khai thác trong 3 năm.

Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Cty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc được khai thác khoáng sản đất san lấp làm vật liệu thông thường tại khu đồi Cây Quýt, đồi Rộc Hóp, đồi Rừng Mỏ, xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích khai thác là: 12,6401ha gồm 5 khu. Khu 1: Thuộc đồi Cây Quýt xã Tử Du, huyện Lập Thạch có diện tích 2,2455ha. Khu 2: Thuộc đồi Rộc Hóp xã Tử Du, huyện Lập Thạch có diện tích 1,4230ha. Khu 3: Thuộc đồi Rộc Hóp xã Tử Du, huyện Lập Thạch có diện tích 1,0406ha. Khu 4: Thuộc đồi Cây Quýt xã Tử Du, huyện Lập Thạch có diện tích 3,3590 ha, được chia thành 2 khu: Khu 4a có diện tích 1,6820 ha, khu 4b có diện tích 1,6770ha. Khu 5: Thuộc đồi Rừng mỏ xã Tử Du, huyện Lập Thạch có diện tích 4,5720 ha.

Như vậy, có thể thấy dấu hiệu bất thường và dư luận đặt câu hỏi tại sao không cấp phép cho cả toàn bộ khu vực mà lại “xé lẻ, có chọn lọc” địa điểm như vậy?. Cũng theo giấy phép, thì nơi tiêu thụ sản phẩm là: Thứ nhất, cung cấp đất đắp, đất san nền phục vụ thi công các công trình trên địa bàn xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch (Theo Hợp đồng nguyên tắc số 06/HNT- UBND của Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc với UBND xã Đồng Ích).  Cụ thể là : Mở rộng diện tích trường THCS Đồng Ích. Các tuyến đường trục liên xã, gồm: Tuyến đường từ nhà bà Hoa Bằng – Viên luận đến hộ ông Tám (Hạ Ích).

Thứ hai, cung cấp đất đắp, đất san nền phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường đôi Trung tâm huyện lỵ, huyện Sông Lô (gói thầu xây lắp số 3, đoạn Km1+627,73 đến Km2 +557,78) theo hợp đồng nguyên tắc số 01/HNT- XDTMVP- KSMB giữa Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Vĩnh Phúc với Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc ... Có lẽ, chính nhờ những “lý do” chính đáng này, mà từ đây, doanh nghiệp “tự tung, tự tác” khai thác đất cao lanh chở đến…các nhà máy gạch?.

Đất được chở đi bán cho các nhà máy gạch

 Trong vai một người đi mua đất san lấp mặt bằng, phóng viên được một người tự giới thiệu là quản lý trông coi và chấm xe ở đây cho biết: “Muốn mua đất san lấp thì phải đi tìm mỏ khác. Chứ thực tế, mỏ này toàn là đất cao lanh và đất phong hóa thôi. Bởi vậy, giá thành loại đất này giá rất cao, và chỉ bán cho các nhà máy gạch thôi”, người này nhấn mạnh.

Đã đến các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm vào cuộc làm rõ tình trạng khai thác đất nêu trên.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nhật Quang – Hà Lam