Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam: Hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật quan trọng, chất lượng cao

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:24, 17/07/2020

(TN&MT) - Chiều 17/7, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tới dự Hội nghị có Lãnh đạo các Cục, Vụ Viện thuộc Bộ TN&MT; Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi và cán bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đánh giá công tác 6 tháng qua của Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hảo đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, những tháng đầu năm là thời điểm hết sức khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid đã làm cho hàng loạt các chương trình, nhiệm vụ của Tổng cục khó triển khai, phải chuyển sang họp và thảo luận trực tuyến. Mặt khác, tình hình phức tạp của biển Đông gia tăng trong tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên biển và sự bất đồng giữa các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, viên chức, người lao động Tổng cục và sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Bộ TN&MT, Tổng cục đã  triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động của Tổng cục ổn định, phát triển góp phần quan trọng trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi phát biểu

Tổng cục đã xây dựng và ban hành Quyết định số 79/QĐ-TCBHĐVN về Quy trình thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển để nhận chìm. Tham mưu, trình Ban cán sự, Ban Chấp hành đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua và ban hành Kế hoạch số 646-KH/BCSĐTNMT thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Năm 2020, Tổng cục được giao xây dựng 02 dự thảo Nghị định, 03 dự thảo Thông tư và 02 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2019 để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành, đến thời điểm này đã tiếp thu ý kiến góp ý của Thành viên Chính phủ, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo “Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển”, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Tổng cục đã trình Bộ trưởng ký văn bản trình Văn phòng Chính phủ hồ sơ về dự thảo Nghị định. Đã tổng hợp, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”.

 Đã tổ chức làm việc với chuyên gia lấy ý kiến về một số nội dung đồng thời họp Tổ biên tập “Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng”; tham mưu Bộ trình Chính phủ đề nghị xem xét, bổ sung nhiệm vụ xây dựng Nghị định nêu trên vào Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng Nghị định; đồng thời xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về phạm điều chỉnh của Nghị định.

Toàn cảnh Hội nghị

Hoàn thiện dự thảo, đang đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến các đơn vị liên quan về dự thảo “Thông tư ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển”.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã đề xuất điều chỉnh 02 Thông tư, 01 Nghị định đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, gồm: “Thông tư quy định kỹ thuật và Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật vận hành tàu nghiên cứu biển do Nhật Bản trao tặng” (hiện tại đã hoàn thiện đề cương Thông tư); “Thông tư quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đặc thù lĩnh vực biển và hải đảo; “Nghị định quy định về hoạt động lấn biển”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục trong thời gian qua và biểu dương những thành tích mà đơn vị đạt được. Đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn mà đơn vị đang phải vượt qua, đặc biệt là cơ sở vật chất và phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển còn thiếu thốn và hết sức hạn hẹp.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết, lãnh đạo Bộ TN&MT cũng đã rất quan tâm, cố gắng hỗ trợ cho Tổng cục để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng cho rằng, Tổng cục cần làm tốt 2 quy hoạch mà đơn vị đang được giao đó là Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch tổng thể sử dụng bền vững TN&MT biển vùng bờ. Mặt khác, cần quan tâm tới công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, đảo; làm tốt cơ sở dữ liệu để làm căn cứ, cơ sở khoa học cho việc xét giao khu vực biển, xét ĐTM trong việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nạo vét, nhận chìm...

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng chia sẻ về việc thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao chuyên về biển, đảo hiện nay, nhất là những cán bộ có chuyên môn về quy hoạch để thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn và mới mẻ là quy hoạch không gian biển và quy hoạch sử dụng TN&MT biển. Chính vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ tài nguyên nguyên và môi trường của Bộ để tổ chức các khoá học, giảng dạy trước hết cho cán bộ làm công tác quản lý biển, đảo ở các địa phương có biển để họ được tiếp cận văn bản pháp luật mới và nâng cao trình độ; Đồng thời phải mở rộng các dự án hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ hỗ trợ chuyên môn và kinh tế cho hoạt động quản lý tài nguyên môi trường biển.

Kim Liên