Khắc phục sạt lở bờ sông, rạch bằng các công trình kiên cố
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:41, 17/07/2020
42 đoạn sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch
Thời gian gần đây, sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nhiều tuyến đường giao thông; ảnh hưởng đời sống, sản xuất, kinh doanh của các hộ dân vốn gắn bó với bến nước, bờ sông. Dọc các sông Bình Thủy, Trà Nóc, Rạch Cam (quận Bình Thủy)… là những căn nhà cheo leo bên dòng nước cuồn cuộn chảy, kề bên những điểm sạt lở nguy hiểm và đe dọa đến cuộc sống hằng ngày của bà con.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận Bình Thủy, người dân ở dọc theo sông Bình Thủy đã quen với nếp sống “trên bến, dưới thuyền”. Vậy mà những năm gần đây dòng chảy thay đổi, nước chảy xiết hơn, phù sa bồi đắp ít làm cho tình trạng sạt lở bờ sông càng nhiều. Người dân luôn sống trong nỗi lo sợ nhà bị sụp đổ bất cứ lúc nào.
Mố cầu Rạch Cam trên đường tỉnh 918, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: MT |
Chỉ vài cơn mưa đầu mùa, cầu Rạch Cam trên tỉnh lộ 918 đoạn qua quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã sạt lở, sụp một bên mố, khiến cho giao thông bị chia cắt, người dân phải đi đò ngang qua lại. Nhiều người dân sống tại khu vực gần cầu Rạch Cam cho biết, trước đó tại vị trí sạt lở đã xuất hiện vết nứt, chính quyền địa phương đã cho đóng cọc gia cố khu vực này. Thế nhưng, đến khoảng 3 giờ sáng ngày 10/6 thì khu vực này bị sụp xuống, mố cầu Rạch Cam cũng bị sạt theo, những cây cọc bê tông gia cố cũng bị xô lệch ra khỏi vị trí ban đầu.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận Bình Thủy cho biết, nguyên nhân sạt lở được xác định là do khu vực này nằm tại vị trí dòng nước xoáy, lâu ngày đất bị xói lở dẫn đến sạt lở, sụp mố cầu. Tình trạng trên khiến giao thông trên đường tỉnh 918 từ quận Bình Thủy đi huyện Phong Ðiền tạm thời bị chia cắt, ngành chức năng đã tiến hành xây dựng cầu tạm và chuẩn bị hoàn thành trong tháng 7 này.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận Bình Thủy, hiện nay, trên địa bàn quận có 42 đoạn sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài khoảng 2.786m (chủ yếu trên các tuyến sông Trà Nóc, Bình Thủy, Rạch Cam, Ông Tường và sông Mương Khai).
Từ đầu năm 2020 đến nay, ở quận Bình Thủy xuất hiện 16 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 681m tại sông Trà Nóc, Bình Thủy, Rạch Cam… Các vụ sạt lở trên làm 7 căn nhà sụp đổ hoàn toàn, 22 căn bị sạt lở một phần, 32 ngôi nhà có dấu hiệu rạn nứt.
“Mặc dù, các vụ sạt lở không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản hàng tỉ đồng. Khi sự cố xảy ra, lực lượng cứu hộ của quận và các phường đã hỗ trợ người dân di dời, trục vớt tài sản và hỗ trợ thêm chi phí khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống…”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận Bình Thủy cho hay.
“Kè kiên cố” ứng phó sạt lở
Ðể ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch, quận Bình Thủy đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ hỗ trợ kinh phí khắc phục bằng các công trình kè kiên cố. Trong đó, đối với các đoạn sạt lở xảy ra trong năm 2017, UBND thành phố Cần Thơ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư kè chống sạt lở khẩn cấp theo Công văn số 1042/UBND-KT ngày 7/4/2020 với 3 dự án kè chống sạt lở có tổng chiều dài 3,75km và tổng kinh phí thực hiện 511 tỉ đồng.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, Cần Thơ đã xảy ra 17 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng các đoạn sạt lở từ đầu năm 2020 đến nay, quận Bình Thủy đã giao Phòng Kinh tế, Trạm Thủy lợi tham mưu khắc phục 2 đoạn ở phường Long Hòa; kiến nghị Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ hỗ trợ khắc phục 2 đoạn và kế hoạch sẽ triển khai thi công trong quý III, năm 2020 (1 đoạn cặp sông Trà Nóc, phường Trà Nóc và 1 đoạn tuyến rạch Cam - Ông Tường); 2 đoạn sạt lở trong dự án “Kè chống sạt lở chợ Rạch Cam” đang thực hiện do Chi cục Thủy lợi thành phố làm chủ đầu tư; 10 đoạn sạt lở còn lại được theo dõi và tiếp tục xây dựng kế hoạch khắc phục thời gian tới.
Trong những tháng cuối năm 2020, quận Bình Thủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng, tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực xử lý tình huống, chỉ huy điều hành tại chỗ cũng như thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, tự giác của cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Việc khắc phục, phòng tránh sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án, công trình kiên cố là giải pháp hữu hiệu, rất cần sự hỗ trợ của thành phố và bộ, ngành Trung ương. TP Cần Thơ cũng yêu cầu các ngành, các cấp ở địa phương thường xuyên cập nhật và xử lý kịp thời ý kiến chỉ đạo, thông tin dự báo tình hình thời tiết, mưa bão, triều cường của đơn vị chuyên môn và thông báo đến từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận, các phường và nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng tránh, ứng phó…
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), các tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng không có quy hoạch đã thu hẹp không gian trữ, thoát lũ (đặc biệt là phục vụ lúa vụ 3). Cùng với đó, việc chuyển đổi rừng ngập mặn thành khu nuôi trồng thủy sản; đánh bắt hải sản quá mức ở vùng ven bờ; nước biển dâng, bùn cát giảm dẫn đến chiều cao cột nước tăng, cùng với tác động của gió làm sóng biển ngày càng cao, khiến các vụ sạt lở ven biển gia tăng.