Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021

Trong nước - Ngày đăng : 19:36, 16/07/2020

(TN&MT) - Sáng 16/7, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án, dự thảo sau:  Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Đồng thời, điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về Chương trình năm 2021 (là năm chuyển giao nhiệm kỳ, gồm 3 kỳ họp). Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2021), Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật (đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10); không cho ý kiến đối với dự án nào. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7-2021) chỉ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; không cho ý kiến đối với dự án nào. Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2021), Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 6 dự án luật; không thông qua dự án nào.

“Ngoài các dự án đã được đưa vào Chương trình, vẫn còn một số dự án cần được bổ sung vào Chương trình như dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và một số dự án khác để triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội và để thực thi cam kết trong các điều ước quốc tế đã được Quốc hội phê chuẩn...”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ TN&MT không được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật, pháp lệnh nào thuộc Chương trình điều chỉnh năm 2020 và Chương trình năm 2021.

Tuy nhiên, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại điểm 4 mục III Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid 19 liên quan đến nội dung miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020, dự kiến Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Ngày 26/5/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bộ đã phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự thảo Luật (ngày 10/6/2020). Các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ (ngày 11/6/2020) và thảo luật tại Hội trường (ngày 18/6/2020).

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật theo ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

 

Phạm Oanh