Xua đi nỗi lo mùa mưa lũ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:40, 16/07/2020
Thiết lập hệ thống cảnh báo mực nước ngầm
Từ ngày ngầm tràn Tân Long được lắp đặt hệ thống cảnh báo, chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) không còn phải lo ngay ngáy mỗi khi có lũ.
Chị Mai chia sẻ, nhà chị nằm ngay sát ngầm tràn nên vào mùa mưa lũ luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Gia đình cũng muốn được tái định cư đến nơi mới nhưng khu đất xã bố trí trên đồi, kinh phí hỗ trợ không đủ để tạo dựng cuộc sống mới nên gia đình tôi chấp nhận ở lại.
Từ cuối năm 2019, huyện bố trí lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ ở ngầm tràn này, nước dâng cao là hệ thống rú còi cảnh báo nên gia đình chị Mai chủ động phòng ngừa, chạy lũ. “Hồi đầu tháng 7, mưa lớn khiến nước dâng cao tại ngầm tràn Tân Long, do có hệ thống cảnh báo nên dù trong đêm, gia đình chị vẫn chủ động tránh lũ an toàn”, chị Mai nói.
Theo ông Đỗ Long An, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát (Lào Cai), cách đây khoảng 10 năm, nhà nước đầu tư xây dựng ngầm tràn Tân Long để thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân.
Hệ thống cảnh báo mực nước ngầm tràn Tân Long được lắp đặt để khi mực nước dâng lên khỏi chân cột 20 cm, loa tự động báo mực nước ở đây đang cao, người dân lưu thông qua ngầm tràn phải hết sức chú ý. Khi mực nước dâng lên 40 cm là mức không thể qua được sẽ có có còi báo động kết hợp với đèn báo động quay thường xuyên cho đến khi nước rút về mực nước an toàn mới dừng lại.
“Từ khi được lắp hệ thống vào cuối năm 2019, người dân đi qua đã ý thức hơn và biết được ở mức nào có thể qua được, mức nào không thể qua nữa”, ông Long cho hay.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của thiết bị cảnh báo lũ tại ngầm tràn Tân Long, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, Lào Cai). |
Phát huy phương châm “bốn tại chỗ”
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 đợt thiên tai làm 2 người chết, 8 người bị thương; 2.524 nhà ở bị hư hỏng và ảnh hưởng; 331 lượt ha lúa, mạ, hoa màu bị thiệt hại; 50 điểm trường và trụ sở cơ quan, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Ước thiệt hại về kinh tế trên 120 tỷ đồng.
Ông Quảng Văn Việt - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; những năm qua tỉnh Lào Cai đã xác định công tác phòng ngừa, ứng phó là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân; đầu tư, ứng dụng và nâng cấp các hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.
Đến nay, toàn tỉnh có 47 trạm quan trắc, cảnh báo và dự báo thời tiết, thiên tai; trong đó, có 4 trạm khí tượng, 5 trạm thủy văn, 3 hệ thống cảnh báo lũ, 33 trạm đo mưa tự động, 2 hệ thống cảnh báo cháy rừng.
“Việc tăng cường đầu tư các hệ thống quan trắc, cảnh báo bước đầu đã phát huy hiệu quả và phục vụ tốt trong quá trình ra quyết định”, ông Việt nói.
Đặc biệt, ông Việt cho biết, tuy chưa có nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương nhưng tỉnh Lào Cai đã xác định được sự quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm chủ động tham gia phòng ngừa, ứng phó của cộng đồng “lấy phòng ngừa là chính” là giải pháp căn cơ, bền vững nhất.
“Hiện nay, đã có 100% cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp được đào tạo, tập huấn; trên 70% xã, phường, thị trấn được tập huấn, đối tượng là đại diện cán bộ xã, thôn/bản và người dân”, ông Việt thông tin.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao năng lực ứng phó và sự phối hợp giữa các lực lượng; rà soát, lập danh sách các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở, ngập úng; các hộ nằm trong khu vực có tiềm ẩn rủi ro cao để có phương án phòng ngừa, ứng phó. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác ứng phó trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
“Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa là chính, phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng chống thiên tai; đặc biệt, coi trọng việc bảo vệ, phát triển rừng”, ông Phong nhấn mạnh.
“Khi thiên tai xảy ra, các thành viên trong Đội xung kích cảnh báo cho người dân không đi qua điểm xung yếu, hướng dẫn đi đường khác. Đặc biệt, tuyên truyền cho các hộ dân xung quanh khu vực xung yếu khi mưa to gió lớn, tiếng đất lở... ngay lập tức di chuyển đi nơi khác. Từ khi thành lập Đội xung kích tuyên truyền về phòng chống thiên tai ở địa phương đã giúp dân hiểu được bão lũ không thể ai tránh khỏi nhưng nếu có cảnh báo sẽ giảm thiểu được đáng kể thiệt hại”. Ông Lê Văn Cống, Đội xung kích xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát.