Mất quyền đòi lại đất được cấp khi không sử dụng đất nhìn từ một Án lệ

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:50, 15/07/2020

(TN&MT) - Theo quy định của Luật Đất đai 2013, nhà nước giao (cấp) quyền sử dụng đất là việc nhà nước ban hành quyết định cấp đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất. Lúc này, người được cấp đất sẽ có đủ quyền và nghĩa vụ với diện tích đất đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì.

Trong trường hợp này, mặc dù Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác chưa quy định nhưng Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của người đã được nhà nước cấp đất trước đó. Người đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài trên thực tế sẽ được công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trước đó đã được giao cho người khác.

Người sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đây cũng là tình huống điển hình được phản ánh trong Án lệ số 33/2020  được công bố và có hiệu lực thi hành theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/2/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Án lệ phản ánh một tranh chấp cụ thể về kiện đòi tài sản nhà, đất và tiền bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, một người đã được nhà nước cấp đất nhưng lại không sử dụng diện tích đất đó mà giao cho người khác sử dụng đất ổn định từ năm 1975. Trong quá trình sử dụng đất, vì là đất trũng nên người sử dụng đất thực tế đã phải thuê người lấp đất, tôn tạo nền và xây dựng, sửa chữa nhiều lần trên đất. Người được nhà nước giao đất có biết về những việc trên nhưng không có ý kiến và không có tranh chấp gì. Hơn nữa, người sử dụng đất thực tế hàng năm vẫn đăng ký kê khai, nộp tiền thuế quyền sử dụng đất đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật thì người này thuộc trường hợp được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, tại hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại Hưng Yên chỉ căn cứ vào việc người được giao đất, có tên trên bản đồ thửa đất ở địa phương và sổ mục kê đất nhưng không sử dụng đất trực tiếp thì không đủ căn cứ để xác minh người được cấp đất là chủ sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất này. Chính vì vậy, việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại đất và đồng ý để người được cấp đất chi trả một phần công sức cho người quản lý, sử dụng đất lâu dài là không đúng.

Tại Án lệ này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thiết lập nguyên tắc và sẽ áp dụng cho các trường hợp tương tự sau này là: Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất thì không có quyền đòi lại đất quyền sử dụng đất.

Hơn nữa, quá trình sử dụng đất, người sử dụng đất đã xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và nộp thuế quyền sử dụng đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật đất đai thì người sử dụng đất thực tế thuộc trường hợp được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Án lệ trên một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của nhà nước là cá nhân được nhà nước giao đất phải sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện nghiêm các quyền và nghĩa vụ khi được cấp đất. Hơn nữa, trong quá trình xử lý các vụ tranh chấp đất đai, pháp luật luôn tôn trọng tính lịch sử và thực tế trong quá trình sử dụng đất.

 

Phạm Oanh