Chi ủy Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc: Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 14:27, 15/07/2020
Giao nhiệm vụ chuyên quản cho chuyên viên
Nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản, Chi ủy Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã lãnh đạo, chỉ đạo Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc giao cho chuyên viên chuyên quản theo địa bàn quản lý.
Theo đồng chí Trịnh Minh Cương, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, căn cứ vào tình hình, đặc điểm đội ngũ chuyên viên đang quản lý, sử dụng, Lãnh đạo Cục đã bàn bạc, trao đổi với phòng chuyên môn nghiệp vụ và quyết định giao nhiệm vụ chuyên quản cho chuyên viên. Mỗi chuyên viên chuyên quản có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, giám sát hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn được giao. Cách làm này vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm của chuyên viên chuyên quản trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Trịnh Minh Cương, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (bên phải) |
Ngoài ra, Chi ủy Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã lãnh đạo, chỉ đạo Cục triển khai lập Sổ Giám sát hoạt động khoáng sản. Để có thông tin về hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đảm bảo liên tục, đầy đủ, chính xác và kịp thời, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã triển khai tổ chức cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn được giao quản lý được Bộ TN&MT cấp phép lập Sổ Giám sát hoạt động khoáng sản.
Theo đó, Tổng cục xây dựng mẫu Sổ Giám sát để doanh nghiệp điền thông tin và gửi về Tổng cục. Sổ giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản được các chuyên viên chuyên quản địa bàn lưu giữ, tổng hợp thông tin quản lý và cập nhật tình hình hoạt động khoáng sản. Sổ giám sát hoạt động khoáng sản định kỳ hàng năm do các doanh nghiệp gửi về được đồng bộ thông tin với Sổ giám sát được lưu tại các doanh nghiệp, làm căn cứ theo dõi, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.
Đồng chí Trịnh Minh cương cho biết, đến nay, đã có 294/389 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn do Cục được giao quản lý được lập Sổ Giám sát hoạt động khoáng sản.
Xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp hoạt động khoáng sản
Chi ủy Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc cũng chú trọng công tác xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã cùng các Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung, miền Nam triển khai xây dựng tiêu chí doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Việc xây dựng tiêu chí doanh nghiệp hoạt động khoáng sản nhằm có những đánh giá khách quan, trung thực đối với các nhóm doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Trên cơ sở đó, đã chấm điểm đánh giá doanh nghiệp theo 3 nhóm tiêu chí bao gồm: nhóm tiêu chí về điều kiện tổ chức khai thác; nhóm tiêu chí về triển khai hoạt động khoáng sản và nhóm tiêu chí về thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Căn cứ tổng số điểm được đánh giá cho các tiêu chí cụ thể, doanh nghiệp được phân loại thành các mức: tốt, khá, trung bình và yếu.
“Từ kết quả phân loại này, các Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản khu vực sẽ tham mưu cho Tổng cục tăng cường giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của những doanh nghiệp thường xuyên vi phạm pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác liên quan để uốn nắn, xử lý vi phạm kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản” – đồng chí Trịnh Minh Cương nhấn mạnh.
Chi ủy Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc chú trọng công tác xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Ảnh minh họa |
Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc cũng đã xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản thông qua báo cáo định kỳ hàng năm. Thông qua công tác tổng hợp thông tin hoạt động khoáng sản từ Báo cáo định kỳ của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đã phát hiện một số hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản như chậm nộp báo cáo định kỳ, khai thác vượt công suất cho phép…
Cục đã tổng hợp, thông báo cho các tổ chức, cá nhân có vi phạm, làm giải trình và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Với cách làm này đã chuyển từ giám sát, kiểm soát trực tiếp sang gián tiếp phù hợp với tình hình hiện nay của Cục là vừa thiếu nhân lực vừa thiếu kinh phí để đi kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân vẫn được nâng cao.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản.
Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm soát hoạt động khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra (gồm 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Theo thống kê của Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, tính đến hết năm 2019, trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Hà Tĩnh trở ra có 341 Giấy phép khai thác khoáng sản và 48 Giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ TN&MT cấp còn hiệu lực.