Đà Nẵng: Chi hơn 27 tỷ đồng có xóa được điểm nóng ô nhiễm Âu thuyền Thọ Quang?

Môi trường - Ngày đăng : 14:05, 15/07/2020

(TN&MT) - Đi vào hoạt động từ năm 2014, Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. TP. Đà Nẵng đang chịu nhiều áp lực về rác thải và nước thải. Giai đoạn 2020-2025, Đà Nẵng dự chi hơn 27 tỷ đồng để xóa điểm nóng ô nhiễm môi trường của TP vào năm 2025.

“Điệp khúc” ô nhiễm

Đi vào hoạt động từ năm 2004, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích 58 ha mặt nước, 4 ha trên bờ, 2,5 km đường bờ kè bao quanh, nằm giữa 2 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà… đến nay đang trở nên quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Hằng ngày nơi đây như một cỗ máy hoạt động hết công suất và nước trong âu thuyền có mầu đen đục ngầu, kèm với hàng trăm loại rác thải xả tràn mặt nước, lên cả bờ kè. Mặc dù công nhân vệ sinh và các CLB môi trường thường xuyên thu gom rác thải nhưng “không xuể” bởi lượng rác quá lớn.

Cô Lê Thị Lệ (50 tuổi) – công nhân vệ sinh tại cảng cá cho biết, lượng rác thải khổng lồ nhưng Đội Môi trường của Ban Quản lý Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang chỉ có gần chục cán bộ, nhân viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhưng không xuể vì quá nhiều. Công nhân phải làm 8 giờ/ngày, kể cả ngày lễ, tết, với các việc như: dội rửa, phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác, cầu cảng.

Nước trong âu thuyền có mầu đen đục ngầu, kèm với hàng trăm loại rác thải

Theo Ban quản lý Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, hiện nay, khu vực âu thuyền quá tải. Công suất âu thuyền chỉ cho phép hơn 400 tàu nhưng có những thời điểm nơi đây tiếp nhận hơn 1000 chiếc vào neo đậu. Vấn đề vệ sinh môi trường ở Âu thuyền cảng cá vẫn là vấn đề phức tạp, khó khăn nhất hiện nay là việc người dân thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống Âu thuyền. Mặc dù Ban Quản lý đã thường xuyên tuyên truyền bằng mọi hình thức và cho ký cam kết đối với các chủ tàu thuyền.  

Ông Phạm Trung Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang cho biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang, Ban quản lý xây dựng đề án giảm rác thải từ tàu cá xuống âu thuyền.

Về địa lý, âu thuyền là "ao tù", bao nhiêu nước thải, rác đều đọng lại.

Theo đề án này, chủ tàu trước khi xuất bến hoặc cập cảng phải bàn giao lượng rác sinh hoạt trên tàu cho Ban quản lý mới được ký lệnh xuất, cập bến. Các tàu cá vi phạm nhiều lần sẽ không cho xuất, cập bến. Đơn vị đề xuất thành phố cho lắp đặt camera tại khu vực các doanh nghiệp có công trình đóng sửa tàu thuyền giám sát việc xả thải tại khu vực này. Việc giám sát sẽ đưa về cơ quan quản lý là UBND quận Sơn Trà. Tuy nhiên các đề xuất này chỉ giảm thiểu chứ không phải giải pháp căn cơ. Vấn đề ô nhiễm của âu thuyền phần lớn vị trí của âu thuyền nằm ở khu vực vịnh, nước không lưu thông như một ao tù, bùn đáy hơn 10 năm nay chưa được nạo vét.

Có làm sạch môi trường được không ?

Mới đây, ngày 6/7/2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025 nhằm kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm, thực hiện các giải pháp cụ thể để xử lý đồng bộ... hướng đến xóa bỏ điểm đen ô nhiễm môi trường vào năm 2025.

Nhân viên môi trường hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhưng không xuể vì quá nhiều.

Theo kế hoạch này, từ nay đến năm 2022, tập trung cải thiện chất lượng môi trường nước tại âu thuyền, chấm dứt tình trạng nước thải đô thị đổ vào âu thuyền và không cho phép nước thải từ khu vực ven bờ cũng như tại cầu cảng chảy trực tiếp xuống âu thuyền; hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt tại khu vực cầu cảng và khu chợ đầu mối; xây dựng, cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước thải tại khu dịch vụ và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đúng quy định.

50% tàu cá cập cảng phải chuyển giao nước thải từ tàu cá cho đơn vị quản lý dịch vụ cảng; 80% tàu cập cảng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt; 100% tàu neo đậu (không kể thời điểm có tránh trú do thiên tai) chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cho đơn vị quản lý cảng cá; 100% đối tượng chịu phí, chi phí về bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định.

Hoàn tất công tác nạo vét bùn trong âu thuyền trước năm 2022 để giảm phát sinh mùi hôi; tăng tần suất khử mùi hôi trong ngày; nạo vét, khơi thông định kỳ các cầu cảng, hệ thống thu gom nước thải...

Đến năm 2025, 100% nguồn nước thải xả vào âu thuyền đã qua xử lý đảm bảo yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 100% tàu cá cập cảng phải chuyển giao nước thải từ tàu cá, chất thải sinh hoạt và thực hiện vệ sinh trước khi vào neo đậu trong âu thuyền.

Đà Nẵng phấn đấu xóa điểm đen ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang vào năm 2025

UBND thành phố thống nhất bố trí khoản ngân sách thực hiện kế hoạch này trong giai đoạn từ năm 2020-2025 là 27,92 tỷ đồng, chưa tính các nguồn vốn đã bố trí cho các dự án đang và sẽ triển khai liên quan tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Thực tế nhiều năm qua, các ngành chức năng TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Nhưng đến thời điểm này, tình hình vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân Đà Nẵng đang hi vọng với hành động quyết liệt từ phía chính quyền và các ngành chức năng sẽ trả lại môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

 

 

Lan Anh