Thiên tai chẳng thể coi thường
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:08, 14/07/2020
Tính đến 9/7, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 căn nhà bị sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; khoảng 10.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính về kinh tế 610 tỷ đồng.
Bão lũ, sạt lở đất không chỉ còn là “đặc sản” của miền Trung, mà đã lan xuống Nam Trung Bộ, ngược lên các tỉnh miền núi phía Bắc và để lại những dư chấn nặng nề. Cứ mỗi trận bão lũ, sạt lở qua đi, nhìn lại con số người chết, những thiệt hại về kinh tế không khỏi giật mình và ám ảnh.
Chúng ta đều biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và biến đổi khí hậu - câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau nhân loại không thể không đối mặt. Và Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai và luôn coi đó là việc phải làm thường xuyên, được pháp luật quy định.
Lũ lụt cuốn trôi nhà cửa của người dân |
Luật Phòng, chống thiên tai từ Điều 34 đến Điều 37 đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền; tham gia hỗ trợ cộng đồng…
Tuy vậy, lâu nay, vẫn có các gia đình, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chủ quan, lơ là, vô tình, hay cố ý vi phạm pháp luật. Không ít hộ gia đình xây dựng, làm nhà trên hành lang thoát lũ, nơi có nguy cơ sạt lở đất, không chấp hành, hay coi thường yêu cầu di dời của cơ quan chức năng.
Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận, coi thường kỷ cương đổ bùn thải, chất thải quá tải, là những nguy cơ đối với an toàn của người dân. Ngay cả nhiều cá nhân cũng chủ quan, coi thường, thiếu quan tâm đến những quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Thực tế, nhiều khi chúng ta lo xây dựng, phát triển kinh tế, mỗi năm trôi qua đều phải dồn mọi tâm trí với nỗi lo canh cánh, sợ chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch. Nhưng khi khả năng đó cận kề trong tầm tay, thiên tai và nhân tai cùng kết hợp xuất hiện lấy đi gần như mọi thứ chúng ta chắt chiu tích lũy được. Thiệt hại lớn đâu chỉ là mất mát của cải vật chất mà là tính mạng con người - không thể bù đắp được!
Phải chăng đã đến lúc cần đặt lại vấn đề - lo phòng chống thiên tai và nhân tai là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng phát triển kinh tế. Nói vậy, không có nghĩa là bấy lâu nay chúng ta không quan tâm, không lo toan bội phần. Mà là chưa đặt ra và tập trung đúng mức với tầm vóc, yêu cầu quan trọng của vấn đề mà lẽ ra phải như vậy. Nghĩa là nó phải được tính toán toàn diện, kỹ lưỡng trong mỗi kế hoạch phát triển, cho cả lâu dài và trước mắt.
Và không thể là sự nhắc nhở, cảnh báo qua mỗi lần có nguy cơ thiên tai xảy ra!