WMO: Xu hướng nóng lên toàn cầu chỉ rõ thách thức đáp ứng cam kết khí hậu Paris
Thế giới - Ngày đăng : 13:03, 11/07/2020
Điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ vượt qua ngưỡng ấm lên dài hạn là 1,5 độ C mà các nhà khoa học đã đặt làm mức trần để tránh biến đổi khí hậu thảm khốc.
“Tuy nhiên, điều đó cho thấy xu hướng ấm lên đang tiếp diễn, làm rõ thách thức to lớn mà thế giới phải đối mặt trong việc đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 về hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến 2 độ C”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết.
Theo WMO, 20% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm, dao động từ năm này sang năm khác, có thể chạm mốc 1,5 độ C trong bất kỳ năm nào từ năm 2020 - 2024. Trong khi đó, mỗi năm có thể tăng ít nhất 1 độ C so với mức tiền công nghiệp, với gần như mọi khu vực đều chịu tác động.
“Nam Phi và Australia, nơi những đám cháy năm ngoái đã tàn phá hàng triệu mẫu Anh, có thể sẽ nóng hơn bình thường cho đến năm 2024, trong khi khu vực Sahel của Châu Phi có thể sẽ ẩm ướt hơn”, WMO cho biết. Châu Âu sẽ trải qua nhiều cơn bão hơn, trong khi phía Bắc của Bắc Đại Tây Dương sẽ có gió mạnh hơn.
Các dự báo là một phần trong nỗ lực mới của WMO nhằm cung cấp các dự báo về nhiệt độ, lượng mưa và gió trong phạm vi ngắn hơn, để giúp các quốc gia theo dõi biến đổi khí hậu có thể chống chọi với các kiểu thời tiết.
Tuy nhiên, thế giới có thể sẽ không đạt đến ngưỡng ấm lên 1,5 độ C dài hạn trong ít nhất một thập kỷ nữa.
“Hiện tại, xu hướng kéo dài có nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức khoảng 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp”, nhà khí hậu học Michael Mann của Đại học bang Pennsylvania, Mỹ cho biết.
“Ngay bây giờ, chúng ta đang ở trung tâm của biến động tích cực có nhiệt độ toàn cầu ở khoảng 1,4 độ C so với mức tiền công nghiệp. Chúng ta không thể tin rằng mức độ ấm áp sẽ tiếp tục. Hy vọng nhiệt độ sẽ một lần nữa giảm xuống hoặc thấp hơn xu hướng trong vài năm tới”, Mann cho biết thêm.
Ông Marcelo Mena, cựu Bộ trưởng Môi trường Chile và hiện là Giám đốc Trung tâm Hành động Khí hậu tại Đại học Công giáo Valparaiso cho biết ngay cả những đợt tăng ngắn hạn cũng có thể gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, có thể gây căng thẳng cho các quốc gia đang phải vật lộn với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
“Dù mức tăng nhiệt độ qua các năm có thể tăng hoặc giảm so với mục tiêu, song viễn cảnh này cho thấy một số hiện tượng thời tiết mang tính biểu tượng này đang cận kề hơn so với dự báo” – ông Mena nhấn mạnh.