Thủ tướng yêu cầu đưa ngay lao động tại Guinea Xích Đạo về nước

Trong nước - Ngày đăng : 21:59, 10/07/2020

Chiều 10/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 báo cáo tình hình, đưa ra các quyết sách, xử lý các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ vấn đề quản lý biên giới, thực hiện công tác cách ly không được chủ quan. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Báo cáo về tình hình dịch COVID-19, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 12 giờ ngày 10/7, thế giới ghi nhận gần 12,4 triệu trường hợp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 557.000 trường hợp tử vong. Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt gia tăng mạnh tại các quốc gia khu vực châu Âu, nhiều nước đã phong toả, đóng biên giới.

Tại Đông Nam Á, ghi nhận số mắc tăng cao tại Singapore, Indonesia và Philippines. Một số quốc gia ghi nhận số mắc mới tăng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội để phát triển kinh tế như tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. 
Trước sự việc một số trường hợp vượt biên trái phép hoặc trốn cách ly trong thời gian qua, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường thắt chặt và bảo vệ biên giới. Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Long cho biết: “Nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn cao, đặc biệt tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép; trốn cách ly; đưa người Việt Nam ở nước ngoài về có những nguy cơ nhất định”.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý, hoàn thành trách nhiệm được phân công, hợp tác giải quyết công việc thuận lợi. Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải thực hiện 55 chuyến bay với gần 14.000 người Việt Nam về nước an toàn; đáp ứng mong chờ, tháo gỡ khó khăn, bức xúc của bà con. 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Khẳng định tinh thần cương quyết không để lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng nêu rõ vấn đề quản lý biên giới, thực hiện công tác cách ly không được chủ quan; biên giới phải được kiểm soát tốt, chặt chẽ. Thủ tướng hoan nghênh việc lực lượng quân đội, công an phối hợp phát hiện, bắt giữ đối tượng trốn trong thùng xốp trên xe chở hàng chuẩn bị làm thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu nhằm trốn cách ly. “Nếu sơ suất một trường hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng”, Thủ tướng nói. “Chủ quan là có thể lâm nguy”.

Thủ tướng yêu cầu kịp thời đưa bà con, học sinh-sinh viên người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài và người nước ngoài như chuyên gia, học sinh-sinh viên, nhà quản lý, công nhân lành nghề... có nhu cầu cần thiết vào Việt Nam; đưa công nhân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài kịp thời. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ như tháo gỡ đường bay với Trung Quốc, mở chuyến bay trung chuyển ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... 

Đồng thời, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Chính phủ nước sở tại để tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam, đồng thời đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có chuyến bay cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo ngay tức thời trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu lên phương án mở rộng cách ly tập trung, cách ly linh hoạt tại khách sạn của các địa điểm thuận lợi, các nhà khách của công an, quân đội, khách sạn quân sự lên quy mô ít nhất 10.000 người. Bên cạnh địa điểm cách ly quân đội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng cung cấp cho ngành y tế, ngành hàng không những địa điểm cách ly dân sự. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh việc chuẩn hoá quy trình, thủ tục mời, đón khách đến Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp Bộ Y tế; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp nhận, theo dõi, quản lý chặt chẽ người Việt Nam cách ly tập trung tại khách sạn, tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Các địa phương lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ lực lượng quân đội, ngành du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cách ly.

Thủ tướng đồng ý việc lập khu vực an toàn tại một số cửa khẩu để người nước ngoài đến Việt Nam đàm phán, ký kết hợp tác hợp đồng liên quan; thời điểm xét nghiệm nhanh; đảm bảo tiêu chuẩn.

Về vấn đề thu phí người được cách ly, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm, sớm đề xuất bằng văn bản. Ngành y tế có khuyến cáo phương thức cách ly y tế phù hợp với các quốc gia có mức độ dịch khác nhau. Thủ tướng đồng ý việc mở tài khoản riêng để huy động, đóng góp tự nguyện của người dân ở trong khu cách ly tập trung.

Nhấn mạnh cần phát huy các điểm bay ở một số nước như Tokyo (Nhật Bản); Seoul (Hàn Quốc); Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc); Vientiane (Lào); Phnom Penh (Campuchia), Thủ tướng đề nghị, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải trao đổi cụ thể, chi tiết nhằm giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, công khai việc mở rộng cách ly, mở đường bay. 
Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường đại học, đặc biệt trường có chương trình liên kết với nước ngoài, chất lượng cao để có phương án tiếp nhận học sinh về học tại Việt Nam khi có nhu cầu; có kế hoạch đón học sinh các nước đến Việt Nam, ưu tiên học sinh-sinh viên Lào, Campuchia. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có phương án nghiên cứu vaccine, trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa nhanh nhất lao động người Việt ra nước ngoài, nhất là Nhật Bản.

Liên quan đến dịch bạch hầu, dịch sốt xuất huyết, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế cần có biện pháp khẩn cấp, không lây nhiễm, đặc biệt chú trọng tiêm chủng mở rộng với mức hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tại các vùng đang có dịch hiện nay. 
Thủ tướng đề nghị tiếp tục kích cầu nội địa mạnh mẽ, nhất là du lịch, thương mại như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã thực hiện như gói an sinh xã hội, những biện pháp về tài khóa bổ sung, nới lỏng tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển trong thời gian tới.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sức khỏe lao động Việt Nam đã tạm thời ổn định

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện đang có 219 người lao động Việt Nam làm việc tại Guinea Xích Đạo, trong đó Công ty Lilama 10 là 49 người; Công ty CM Vietnam 164 người; Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Tân Đại Lợi 6 người. Người lao động đang làm việc tại công trình Nhà máy thủy điện Sendje, tỉnh Littorial, nước Cộng hòa Guinea Xích đạo theo hợp đồng giữa ba công ty với Công ty tổng thầu Duglas Alliance Ltd (Anh).

Theo đó, cuối tháng 6/2020, sau khi có biểu hiện ho, sốt, một số người lao động cơ quan y tế xét nghiệm COVID-19. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 nêu rõ có 16 lao động người Việt Nam dương tính với virus SARS-CoV-2 và 20 người nghi nhiễm. Những người này được đưa đi chữa trị và cách ly theo quy định của cơ quan y tế sở tại. Qua theo dõi và điều trị, đến nay, sức khoẻ một số người lao động đã tạm thời ổn định.

Đến các ngày 1-2/7, nhóm lao động tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đến ngày 9/7, Công ty CM Việt Nam báo cáo có thêm 74 người nhiễm bệnh, nâng số tổng số người Việt Nam nhiễm bệnh tại công trường lên đến 90 người. Công ty Lilama 10 và Công ty Tân Đại Lợi có 23 người nhiễm COVID-19. Như vậy, tổng số có 112/219 người lao động nhiễm COVID-19. Hiện tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đã được đưa đi chữa trị theo quy định của Guinea Xích Đạo.

Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 3/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã gửi văn bản lên Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hoà Guinea Xích Đạo; báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động về nước theo nguyện vọng của người lao động. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo 3 công ty làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu chính tạm dừng công việc tại công trường; hướng dẫn biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh; đảm bảo điều kiện vệ sinh ăn ở  đầy đủ dinh dưỡng; xây dựng phương án đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Hiện nay, các công ty đã trao đổi với chủ đầu tư, nhà thầu chính để dừng việc tại công trường; có phương án chuyển toàn bộ người lao động để tránh dịch bệnh theo nguyện vọng của người lao động.

Liên quan đến một số thông tin trên mạng xã hội phản ánh “người lao động bị nhiễm bệnh, không được ăn uống”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, một số lao động đang làm việc tại công trường hoạt động bình thường; một số lao động cách ly tại bệnh viện trong ngày đầu tiên được cung cấp khẩu phần ăn của nước sở tại, không có rau và cơm Việt Nam. Ngay sau đó, công ty đã yêu cầu bổ sung khẩu phần ăn do chính công ty cung cấp, phù hợp với người lao động Việt Nam.

Nhận thấy diễn biến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm cao, cần điều trị kịp thời, trong khi đó vụ việc xảy ra ở ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, để  đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức chuyến bay cứu hộ công dân để đưa toàn bộ số lao động trên về nước, đồng thời đảm bảo cách ly y tế và  điều trị theo quy định. Chi phí chuyến bay do doanh nghiệp và nhà thầu chịu chi phí.

Theo đó, thủ  đô Malabo của Guinea Xích Đạo nằm ở giữa đảo, trong khi lao động Việt Nam đang làm việc ở đất liền, gần sân bay quốc tế Bata hơn, việc di chuyển dễ dàng hơn. Còn nếu đỗ ở thủ đô Malabo phải thêm 1 chuyến bay nội địa bay ra giữa đảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, khảo sát chuyến bay thẳng.

Theo Chinhphu.vn