Đặc trưng sản phẩm bánh Khẩu Xén Mường Lay

Xã hội - Ngày đăng : 10:55, 10/07/2020

(TN&MT) - Khẩu Xén là loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, được chế biến từ gạo nếp và củ sắn tươi có hương vị rất đặc trưng của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay ( Điện Biên). Từ năm 2018, bánh Khẩu Xén được thị xã Mường Lay lựa chọn là sản phẩm đặc trưng của địa phương trong chương trình xây dựng “mỗi xã một sản phẩm”, có các chính sách hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Bánh Khẩu xén thường được làm từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, nguyên liệu sản xuất gồm có gạo nếp nương, nếp cẩm, nếp tăm, sắn củ được lấy từ chính ruộng, nương của đồng bào

Bánh Khẩu xén thường được làm từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch để phục vụ nhu cầu Tết của đồng bào Thái và các dân tộc anh em. Nguyên liệu sản xuất gồm có gạo nếp nương, nếp cẩm, nếp tăm, sắn củ được lấy từ chính ruộng, nương của đồng bào. Các loại nguyên liệu sau khi nấu chín sẽ được cho vào máy nghiền nhỏ rồi được trộn với bột tự nhiên (gấc, màu từ các loại lá rừng) để tạo màu. Bánh có bốn màu chính là trắng từ gạo, đỏ từ gấc, vàng của bánh sắn và màu tím của nếp cẩm. Tùy vào nhu cầu của người sử dụng mà người dân có thể cho thêm đường, sữa. Sau đó, hỗn hợp sẽ được cán mỏng, phơi khô tự nhiên và cắt theo những khuôn hình nhất định.

Bánh xén làm bằng củ sắn tươi cũng tốn nhiều công phu hơn. Khâu đầu tiên củ sắn phải gọt vỏ, rồi nạo ra trộn với gấc, sau đó đồ thật kỹ rồi xay nhỏ mới đem ra cán mỏng, phơi qua rồi cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó mới phơi tiếp cho đến khi bánh thật khô.

Chị em phụ nữ bản Bắc, thị xã Mường Lay đang thực hiện một trong những công đoạn chế biến Khẩu Xén.

Miếng bánh Khẩu Xén được cắt theo hình bình hành, nhỏ hơn 2 ngón tay một chút, khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Cho vào miệng, miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi. Hương vị Khẩu Xén cũng có nhiều loại, vị ngọt cho trẻ con, vị mặn cho phụ nữ và người già, có cả bánh nhạt để chấm gia vị dành cho đàn ông nhắm rượu.

Do đặc điểm sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên nên người tiêu dùng tại các thị trường như Điện Biên, Hà Nội, Thái Bình...

Trong những năm gần đây, nhu cầu bánh Khẩu Xén tăng nhanh không chỉ trong tỉnh mà cả các tỉnh miền xuôi. Trước tình hình trên công ty Safe Green đã cùng với hội phụ nữ Thị xã Mường Lay thành lập câu lạc bộ sản xuất bánh Khẩu Xén tại bản Bắc 2 xã Nay Lưa gồm 15 hội viên. Chính quyền Thị xã Mường Lay hiện đang phát triển dự án hỗ trợ sản xuất bánh Khẩu Xén cho câu lạc bộ. Mỗi hội viên sẽ được hỗ trợ tới 70% giá trị của máy nghiền bột và sắt làm dàn phơi bánh.

Vào mùa sản xuất mỗi ngày 1 hội viên có thể làm từ 10 – 15 kg bánh, giá bán tại nhà dao động từ 27.000 – 45.000 VNĐ/kg tùy vào loại bánh. Bánh làm từ nếp cẩm giá cao nhất và làm từ sắn giá thấp nhất. Tuy nhiên, theo ý kiến của câu lạc bộ thì bánh làm từ sắn được người tiêu dùng ưa thích hơn. Thu nhập từ làm bánh của các hội viên trung bình từ 30 – 35 triệu/vụ bánh.

Do đặc điểm sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên nên người tiêu dùng tại các thị trường như Điện Biên, Hà Nội, Thái Bình…. tiêu thụ bánh khá nhiều. Sản phẩm bánh thường được các tư thương đặt trước về số lượng và chất lượng bánh (lượng đường, sữa bổ sung vào bột bánh). Các hội viên sản xuất và gửi trực tiếp theo xe khách về xuôi hoặc thông qua tư thương tại chợ trung tâm Thị xã Mường Lay. Mặt khác, công ty Safe Green đang tiến hành thảo luận và mong muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với câu lạc bộ.

Không chỉ là một món ăn chơi, Khẩu Xén còn trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Điện Biên.

Không chỉ là một món ăn chơi, Khẩu Xén còn trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Nói đến những đặc sản của Điện Biên, rất nhiều người nghĩ ngay đến món bánh lạ miệng mà thơm ngon này. Những người dân Điện Biên hiếu khách cũng sẽ không ngần ngại cho bạn nếm thử và chỉ cho bạn cách làm nên món bánh thương hiệu này. Vì thế, nếu có dịp lên Điện Biên, nhất định đừng quên ghé vào Mường Lay và thử sức với trải nghiệm thú vị này.

Trần Sơn