Đà Nẵng: Độc đáo siêu thị "Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng"

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 15:58, 09/07/2020

(TN&MT) - Với những chai nhựa, viên pin cũ hay giấy vụn của người dân sẽ được đổi thành một phiếu quà tặng mua các nhu yếu phẩm khi đến siêu thị "Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng" của Đoàn phường Chính Gián (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). Với cách làm này, người dân trên địa bàn quận Thanh Khê dần hình thành ý thức giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Đều đặn vào 3 giờ chiều thứ 7 hàng tuần tuần tại Trung tâm VHTT&HTCĐ phường Chính Gián (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) lại nhộn nhịp người dân đem rác thải tái chế đến đổi lấy quà.  Cứ 50 chai lọ nhựa hoặc 20 viên pin cũ hoặc 5kg giấy vụn sẽ đổi được một phiếu quà tặng. Toàn bộ quà tặng của mô hình được mua từ nguồn kinh phí xã hội hóa và từ số tiền bán phế liệu.

Khệ nệ bê bao tải đầy chai nhựa, giấy vụn đến siêu thị “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng", bà Trần Thị Huệ (trú tại phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, bà buôn bán nước giải khát nên hàng ngày lượng chai nhựa rất nhiều. Sau khi khách đã uống, bà thu dọn những chai nước cho vào túi, đến cuối buổi trong ngày mới vứt đi. Khi biết đến mô hình, bà Huệ cảm thấy rất vui. Cứ 2 ngày/ 1 lần, bà thu gom được ít nhất 10 kg giấy vụn và 50 cái chai nhựa. Gần như ngày nào bà cũng thu gom chai nhựa, giấy vụn để mang đến nhà sinh hoạt bên cạnh để trao đổi.

Mô hình Siêu thị "Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng" nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân

“Với mô hình này người dân hình thành thói quen phân loại vứt rác hợp lí hơn, góp phần giải quyết rác thải nhựa, chất thải nguy hại ra môi trường, vừa có thể đổi được các nhu yếu phẩm cần thiết”, bà Huệ chia sẻ.

Chọn lấy chậu cây xanh trên kệ hàng của siêu thị, bà Ngô Đặng Kim Ngọc, Bí thư chi Đoàn trường mầm non Thủy Tiên tại trường, những vật dụng như chai nhựa, giấy vụn chỉ có thể tận dụng khi trường có hoạt động ngoại khóa về chủ đề bảo vệ môi trường dành cho các em nhỏ. Bởi vậy, biết được những lợi ích sau đó khi phân loại rác, các thầy cô đều hứng khởi cùng tham gia mô hình này.

“Các cô giáo vừa có thể bảo vệ môi trường vừa có thể nhận được phần quà nho nhỏ. Những hành động này lặp đi lặp lại của chúng tôi cũng một phần tác động đến các em, giúp các em hình thành ý thức về phân loại rác thải”, bà Ngọc cho hay.

Tại siêu thị, sau khi trao đổi rác thải, người mua được chọn đổi được 1 phiếu mua xì dầu, nước rửa chén, nước mắm, tương ớt, nước ngọt; 2 phiếu mua được một trong các sản phẩm như: đường, gạo nếp, thạch rau câu, dầu ăn, trứng gà. Những yếu phẩm này được đặt trên hai chiếc kệ dài 3 tầng được đóng đơn giản, xếp nối nhau. Cạnh đó một băng rôn lớn để giữa hai kệ với những dòng thông tin: “Đổi rác thải nhựa - Lấy quà tặng”, “Hãy vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia chống rác thải nhựa”, kèm theo đó là hình ảnh những sản phẩm được dùng để đổi quà.

Số lượng phế liệu quy đổi không bằng giá trị của mặt hàng nhưng đây được xem là một hoạt động thiết thực

Qua hơn 2 tuần hoạt động, vào mỗi chiều thứ 7 từ 15 đến 17 giờ, Đoàn phường Chính Gián đã thu gom về 1.500 chai nhựa, 1.300 vỏ lon, 200 viên pin và hơn 200 ki lô gam giấy các loại.

Ông Lê Trình, Bí thư Đoàn phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, Giấy vụn, chai nhựa, vỏ lon sau khi thu gom sẽ được đem đi bán ở cửa hàng phế liệu, gây quỹ để duy trì siêu thị. Với pin đã sử dụng, Đoàn phường liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê để tìm hướng xử lý phù hợp. 

“Với quà tặng là các nhu yếu phẩm, Đoàn phường mong muốn sẽ nâng cao tính thiết thực của mô hình, thu hút người dân đến với mô hình nhiều hơn. Từ đó, dần hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn để họ cảm thấy rác thải được phân loại có lợi ích, có thể đem đổi quà hoặc đem bán, giảm rác thải ra ngoài môi trường. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ linh hoạt tổ chức ở các khu dân cư trên địa bàn phường”, anh Trình chia sẻ.

Tại quận Thanh Khê, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn quận Thanh Khê có nhiều cách làm hay như tận dụng, tái sử dụng rác thải sinh hoạt, dùng túi ni-lông tự hủy sinh học, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Thanh Khê trở thành quận môi trường.

Người dân Thanh Khê hào hứng phân loại rác thải tại nguồn

Đến nay, quận Thanh Khê đã triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn đồng loạt 10/10 phường thuộc quận đảm bảo theo tiến độ thành phố giao; hình thành tổ chức mạng lưới thu gom, vận chuyển phù hợp đối với các loại chất thải sau phân loại. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ CTRSH được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 10% vào cuối năm 2019, 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Thanh Khê nhìn nhận, với những mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã triển khai trên địa bàn trong thời gian qua, người dân đã có ý thức, hiểu về những lợi ích khi phân loại rác thải tại nguồn với 3 loại như rác tài nguyên, rác nguy hại và rác còn lại.

“Bảo vệ môi trường, học cách ửng xử văn minh với rác... là những việc rất nhỏ nhưng nó là nền tảng để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến mỗi người dân”, ông Tân nhìn nhận.

Lan Anh