Quảng Ninh: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai
Môi trường - Ngày đăng : 06:49, 08/07/2020
Thực hiện với phương châm “4 tại chỗ”, công tác PCTT đã được Quảng Ninh triển khai nhanh, nghiêm túc, chủ động kịp thời và đồng bộ, đảm bảo sát với từng thời điểm và thực tế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Song song với việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, tỉnh cũng ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với thiên tai một cách kịp thời, cụ thể tới các địa phương.
Gần 34 km tuyến đê biển Hà Nam, tại TX.Quảng Yên được nâng cấp trước mùa mưa bão. |
Trước mọi tình huống, tỉnh đều lường trước, đánh giá sát tình hình, thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ công tác phòng chống, ứng phó và tiếp cận địa bàn bị ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như kịp thời nắm bắt tình huống và chỉ đạo phù hợp. Trong đó, chú trọng công tác sơ tán, đảm bảo an toàn nhân dân tại các vùng xung yếu, vùng trũng thấp ven sông, ven biển và chân các bãi thải mỏ, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở.
Cụ thể, Sở NN&PTNT, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đã duy trì công tác trực ban, thông báo tình hình thời tiết, thiên tai, cũng như kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành phòng chống và ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, cac lực lượng vũ trang, nòng cốt là Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tham gia PCTT và thực hiện cứu nạn, cứu hộ, phát các bản tin trong các cơn bão hướng dẫn các ngư dân, tàu thuyền, lồng bè biết, về nơi trú tránh an toàn.
Hồ đập thủy lợi Cao Vân, xã Dương Huy, TP.Cẩm Phả vừa được nâng cấp, tu bổ đảm bảo trước mùa mưa bão. |
Điển hình như TX.Quảng Yên là địa phương quản lý tuyến đê Hà Nam với chiều dài nhất tỉnh gần 34km trong đó một số vị trí trọng điểm, xung yếu khi có mưa to, kết hợp triều cường nước biển dâng dễ dẫn tới nguy cơ sạt lở đê.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND TX.Quảng Yên, ông Vũ Ngọc Hùng cho biết, đơn vị là cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Thị xã, nên ngay từ đầu năm, đơn vị đã rà soát, cập nhật và hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai năm 2020 trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” một cách cụ thể và thực chất, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu. Đặc biệt chú trọng đến các kịch bản sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời, thị xã đã thành lập các đoàn, tổ chức đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão trọng điểm trên địa bàn. Thông qua đó, thị xã đã yêu cầu các phường, xã và các cơ quan đơn vị triển khai khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được các đoàn công tác chỉ ra, nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai nhằm mục tiêu giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập lụt tại khu vực Đèo Bụt, TP.Cẩm Phả mới được đưa vào sử dụng |
Hay như tại TP.Cẩm Phả, địa phương có nhiều vị trí xung yếu có nguy cơ cao sạt lở, ngập úng cục bộ do có nhiều khai trường, bãi đổ thải của các đơn vị khai thác than nằm trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, ông Nguyễn Hải Khiên cho biết, theo dự báo, thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. Địa hình thành phố có độ dốc cao chảy theo hướng Bắc - Nam. Hệ thống thoát nước của thành phố chưa được nâng cấp đồng bộ. Mặt khác, các bãi thải khi mưa lớn đất đá bị trôi, lấp các dòng chảy gây ngập úng cục bộ làm vỡ các tuyến kè, đê bao ngăn bãi thải có thể tạo ra lũ quét, sạt lở, ngập úng. Thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, công tác phòng chống lụt bão luôn được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhiều năm qua, Tập đoàn TKV đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kè chắn chống sạt lở tại các bãi thải |
Cùng với đó, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư gần 1.000 tỷ đồng kết hợp từ các nguồn để nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng PCTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 425 tỷ đồng sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi; 173 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp đê điều; 168 tỷ đồng xây dựng các khu neo đậu trú bão cho tàu cá; còn lại là các công trình khác. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả, như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê Đồng Rui, huyện Tiên Yên; dự án nâng cấp đê Hà Nam, TX.Quảng Yên; dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập tại khu vực Đèo Bụt, TP.Cẩm Phả...
Lấy phương châm "phòng là chính", Quảng Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân chủ động phòng chống thiên tai |
Có thể nói, đến nay công tác PCTT&TKCN của tỉnh Quảng Ninh đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng. Tuy nhiên, để công tác PCTT thực sự hiệu quả, giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản đòi hỏi các địa phương và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị các phương án phòng tránh, trong đó lấy phòng là chính, chủ động đảm bảo an toàn về người và tài sản trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.