Gấp rút hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia

Đất đai - Ngày đăng : 14:22, 07/07/2020

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai, Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) do Tổng cục Quản lý đất đai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, hiện nay, còn một số địa phương thực hiện Dự án này còn chậm, cần đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Đôn đốc tiến độ Dự án ở các địa phương

Tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân yêu cầu, Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương cần tập trung đôn đốc tiến độ Dự án ở các địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường cử cán bộ xuống các địa phương, nhất là các địa phương chậm tiến độ, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ Dự án.

“Ban Quản lý Dự án cần chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu để khi xây dựng xong hệ thống phần mềm có thể kịp thời cập nhật, tránh việc đợi phần mềm mà ảnh hưởng tới tiến độ Dự án”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương

Thứ trưởng yêu cầu, Ban Quản lý dự án cần tập huấn sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra dự toán dự án; cần phải sớm thành lập Hội đồng nghiệm thu phần mềm thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên sau đó tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm phần mềm... Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hỗ trợ việc tái cấu trúc dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo thẩm quyền.

Thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu ở Thái Nguyên

Dự án VILG hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phầm mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…

Dự án sẽ hỗ trợ tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai và đảm bảo thực hiện Luật Đất đai 2013 ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất. Hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các văn phòng đăng ký từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các Văn phòng Đăng ký và Đào tạo cán bộ.

Theo ông Chu An Trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương, tính đến 30/6/2020 đã có 182 huyện đã lập xong thiết kế kỹ thuật dự toán, trong đó, có 96 huyện của 18 tỉnh đã được phê duyệt. Về ký kết hợp đồng đã có 69 huyện hoàn thành việc ký giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai và 48 huyện đã ký kết với các nhà thầu xây dựng cơ sở dữ liệu.

Dự kiến tiến độ thực hiện đến cuối năm 2021 sẽ có 227 huyện cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với Sở TN&MT Thái Nguyên triển khai thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu, đến nay, Tập đoàn Viettel đã cung cấp Trung tâm dữ liệu tại Trung ương và kết nối 4 đường truyền tới Văn phòng Đăng ký đất đai và 3 chi nhánh; tổ chức đào tạo, tập huấn về sử dụng phần mềm cho các huyện, các đơn vị; xây dựng kế hoạch, nội dung, dự toán đào tạo, chuyển giao công nghệ MPLIS cho 31 tỉnh thực hiện Dự án VILG…

Dự án VILG có tổng mức đầu tư là 180 triệu USD, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB, được thực hiện trong thời gian từ tháng 3/2017 - 31/2021, thời gia hạn đến tháng 4/2022. Dự án được thực hiện tại 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, đã triển khai thi điểm kết nối liên thông thực hiện nghĩa vụ tài chình giữa có quan thuế và cơ quan Đăng ký đất đai theo hình thức điện tử tại huyện Phú Lương và Nhai Võ (Thái Nguyên).

Cũng theo ông Chu An Trường, tiến độ thực hiện Dự án còn chậm, nhất là tại các địa phương là do việc hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng cho vay giữa UBND các tỉnh thuộc dự án với Bộ Tài chính; còn vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn; việc thông báo kế hoạch vốn hàng năm của các địa phương hiện rất chậm; một số tỉnh chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán…

Do đó, Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương đề xuất tái cấu trúc, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Về điều chỉnh dự án, Ban quản lý đề xuất 2 phương án điều chỉnh: Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi 2 lần và tái cấu trúc toàn bộ dự án.

Trường Giang