Nguy cơ với hạ tầng đô thị
Xã hội - Ngày đăng : 10:48, 07/07/2020
Chính sự di chuyển này kéo theo sự đi lại tăng lên. Và điều này đã tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Đó là tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm:
hai hậu quả liên quan đến tăng trưởng kinh tế và sự tăng lên theo cấp số nhân của các phương tiện giao thông cá nhân.
Thêm nữa, hầu hết các quy hoạch phát triển của Việt Nam đều bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực của đất nước. Thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn là nguyên nhân của thực trạng này.
Ảnh minh họa |
Sự manh mún càng thể hiện rõ khi đô thị phát triển lan nhanh theo chiều rộng. Thiếu thiết kế đô thị, chắp vá trong quy hoạch đã khiến mặt tiền nhiều thành phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc. Từ đô thị lớn, nhân bản tới các đô thị nhỏ khiến giờ đây tìm đất xây trường học, bệnh viện, công viên, … trở nên nan giải. Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách – nguồn lực của quốc gia - đã bị ném vào cho việc giải tỏa xây dựng cầu, mở đường, làm các công trình thoát nước, trạm xe buýt, metro, chợ…
Nguồn lực cho các thành phố cứ dồn mãi cho giải phóng mặt bằng, chống ngập, mở đường, chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, vòng luẩn quẩn chưa thể dứt khi mà tầm nhìn cũng quẩn quanh với những lợi ích trước mắt.
Chẳng hạn như Hà Nội. Sau hơn mười năm mở rộng, diện tích nội thành đã tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng chủ yếu phân lô, bán nền. Các chỉ số về diện tích đất công cộng, cây xanh, đường xá, cầu cống… được quy hoạch theo kiểu tùy hứng, chỉ áp dụng trong từng dự án nhỏ lẻ. Rồi các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên dày đặc, nhưng không có nhà ở đi kèm. Và tất yếu, xảy ra tình trạng dồn cục khi di chuyển từ nơi ở trong thánh phố đến nơi làm việc.
Trước những áp lực đó, hàng loạt kế hoạch liên quan đến cơ sở hạ tầng xuất hiện nhằm mục đích mang tới một giải pháp kĩ thuật cho vấn đề ùn tắc và cải thiện môi trường đô thị (giảm ô nhiễm không khí, ngập lụt…). Tuy nhiên, nghịch lý đang diễn ra, rất nhiều tuyến đường vành đai của Thủ đô chưa kịp xây xong đã trở thành đường nội đô. Các luồng giao thông kết nối (hàng hóa - kho tàng - bến bãi - cảng sông, biển, hàng không…) hầu như lâm vào ngõ cụt. Ví dụ rõ nhất là kết nối giữa sân bay Nội Bài với Hà Nội - đô thị đã “nuốt” các đường vành đai ở Thủ đô.
Với một đô thị lớn như TP.HCM, áp lực lên hạ tầng đô thị cũng rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, phân tán, hiệu quả thấp. Chỉ cần so với Hải Phòng, một đô thị khoảng 2 triệu dân, số km chiều dài đường giao thông bằng 1/10 so với TP.HCM nhưng kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông gần như tương đương, khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tất cả những vấn nạn kể trên là hậu quả của việc chậm trễ dự báo, quy hoạch và các chính sách, luật ban hành không khả thi, thiếu thực tiễn trong quản lý phát triển đô thị.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển đô thị cho thấy, “phải đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, đó là nền tảng của đô thị”. Nhiều nhà chiến lược đô thị khẳng định “đầu tư cho hệ thống này là cho phát triển, cho mai sau”.
Với các đô thị của Việt Nam, mai sau có lẽ khó khăn hơn nhiều - bởi nhìn chung chúng ta vẫn chưa chống đỡ nổi các khủng hoảng hiện tại (do vốn, kỹ thuật, nhân lực) nếu không có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực sống còn của đô thị: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.