Hà Nội: Thiếu cơ chế giám sát hay buông lỏng xử lý doanh nghiệp hút phân bùn bể phốt?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:55, 06/07/2020
Hà Nội thiếu cơ chế giám sát hay buông lỏng xử lý doanh nghiệp hút phân bùn bể phốt? |
Vụ việc xả trộm nhiều m3 phân bùn bể phốt chưa qua xử lý trực tiếp ra miệng cống trên nhánh đường gom Đại lộ Thăng Long thuộc đoạn Km10 + 600, qua địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức mới đây ngày 2/7/2020 là minh chứng rõ nét cho vấn đề này, đồng thời tiếp tục là hồi chuông đáng báo động cho một trong những loại chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng diễn ra ngay trên địa bàn của Thủ đô.
Thực tế cho thấy chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhan nhản những mẫu quảng cáo, rao vặt dịch vụ hút bể phốt được dán khắp nơi từ tường nhà, gốc cây đến cột điện. Tất cả thông tin đều khá đầy đủ bao gồm dịch vụ hút bể phốt, giá rẻ cạnh tranh, nhanh chóng thuận tiện… Điểm chung của những mẩu quảng cáo này là không cần trụ sở, chẳng cần công ty, chỉ cần một số điện thoại, một vài chiếc xe chuyên dụng, dăm ba nhân công là những đơn vị này đã có thể làm một loại dịch vụ cần có điều kiện đảm bảo yếu tố môi trường..
Quá trình hoạt động của hàng trăm cơ sở kinh doanh lĩnh vực kể trên là tiếp nhận điện thoại của khách hàng, cho xe đến hút bể phốt, lấy tiền và điểm đến cuối cùng, quen thuộc của xe là đưa ra các hệ thống cống “hàm ếch” ven đường, khu vực sông Hồng, sông Nhuệ, sông Lừ, sông Sét, các bãi đất trống khu vực ngoại thành, ven đê huyện Đan Phượng, Gia Lâm … xả thẳng xuống đây.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Dũng – Phó đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Cho đến nay lực lượng Cảnh sát môi trường địa phương vẫn chưa có các công cụ, phương tiện thực sự chuyên biệt để đấu tranh với các đối tượng phạm tội, cũng như để ngăn chặn, xử lý tình trạng xả trộm chất thải phân bùn bể phốt chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài.
Các hệ thống cống “hàm ếch” ven đường Đại lộ Thăng Long là điểm đến quen thuộc của các đối tượng xả trộm phân bùn bể phốt |
Theo Thiếu tá Dũng, các chiến sĩ công an trên mặt trận môi trường hiện nay, vẫn đang sử dụng các biện pháp nghiệp vụ truyền thống như: Phối hợp tổ chức trinh sát, điều tra mật phục, xây dựng các kế hoạch xác định các cá nhân, công ty, doanh nghiệp, các đối tượng thường xuyên đổ trộm. Cùng với đó, là công tác vận động quần chúng nhân dân trong việc tố giác các trường hợp vi phạm.
Trung tá Phạm Tuấn Anh – Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Đối với hoạt động của loại hình phương tiện xe chuyên dùng hút phân bùn bể phốt đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo Điểm b, Khoản 3, Điều 5 Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND thành phố Hà Nội quy định hoạt động của các phương tiện này được phép hoạt động trên các tuyến phố trừ khung giờ cao điểm.
Việc theo dõi hoạt động của phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình được lắp trên phương tiện vận tải hiện nay do Tổng cục đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng. Do đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Công an thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện vận tải thông qua hệ thống giám sát hành trình, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phương tiện vi phạm hoặc doanh nghiệp có nhiều vi phạm, vi phạm nhiều lần hoặc sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động vận tải nói chung.
Sự gia tăng của nạn xả bậy phân bùn bể phốt chưa qua xử lý, khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh chở lên nghiêm trọng hơn |
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông đã triển khai các biện pháp xử lý các xe tải, xe chuyên dùng vi phạm. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay Phòng đã xử lý 401 trường hợp vi phạm “chở hàng rơi chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy những vẫn để rơi vãi, chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường...
Qua tìm hiểu, được biết các xe vận tải, đặc biệt là các xe chuyên dùng (hút chất thải phân bùn bể phốt) phải gắn trên mình các thiết bị giám sát hành trình GPS. Bằng biện pháp theo dõi hành trình di chuyển của xe nói trên, việc ngăn chặn, xử lý các hành vi đổ trộm loại chất này không khó. Tuy nhiên, theo Trung tá Phạm Tuấn Anh và Thiếu tá Nguyễn Hồng Dũng hệ thống dữ liệu giám sát các xe hút phân bùn bể phốt vẫn chưa được chia sẻ cho lực lượng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông... làm công cụ hữu hiệu để đấu tranh, trấn áp các đối tượng phạm tội này. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao hiện tượng xả bậy chất thải phân bùn bể phốt chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn diễn ra một cách tràn lan trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ đối các cơ sở dịch vụ tự phát trong lĩnh vực này, thiếu kiên quyết nhất là các cơ sở tư nhân. Điều này vô hình chung đang tạo ké hở để nhiều đơn vị, công ty lợi dụng kinh doanh hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.