Phát huy sức mạnh lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:24, 06/07/2020
Trọng điểm trong công tác phòng, chống bão
Nằm phía nam của tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu thuộc hạ lưu sông Sò và sông Ninh Cơ; phía nam giáp với biển Đông; phía tây, bắc và đông bao bọc bởi sông Ninh Cơ và sông Sò. Do nằm giữa sông Ninh Cơ, sông Sò và áp sát biển Đông nên huyện Hải Hậu thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, nhất là lũ, bão, nước dâng, xâm nhập mặn.
Theo UBND huyện Hải Hậu, tuyến đê biển Hải Hậu dài 33,17 km đê (có 25,47 km đê trực diện với biển), đã cơ bản được kiên cố nâng cấp bằng việc lát mái cấu kiện bê tông hoặc xây đá, mặt đê được đổ bê tông, có khả năng chống được bão cấp 9, cấp 10; hiện nay có 23,65 km được kè kiên cố; 1,51 km kè xây ô (đoạn Hải Lộc- Hải Đông).
Đê biển Nam Định "mong manh" trước bão |
Do biển Hải Hậu thuộc vùng biển tiến, bãi thoái, nên tuyến đê biển vô cùng xung yếu, thường xuyên bị xảy ra các sự cố khi gặp bão lớn, triều cường. Có thể kể đến như cơn bão số 7 năm 2005 với sức gió cấp 12 đã làm vỡ gần như toàn bộ tuyến đê biển trên địa bàn của huyện, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Hay cơn bão số 10 năm 2017 gây nước dâng, sóng lớn đánh tràn qua mặt đê, gây hư hỏng nặng mái đê phía đồng Cồn Tròn, Hải Thịnh III, thị trấn Thịnh Long, nhiều vị trị mái bị sạt đến sát mặt đê, sâu 3-5m; 940m mái đê phía biển bị sạt lở.
Là một trong các trọng điểm phòng chống thiên tai của cả nước nên Hải Hậu xác định nhiệm vụ công tác PCTT là một trong số các nhiệm vụ trọng tâm, luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, xã, trong đó lực lượng xung kích PCTT cấp xã là nòng cốt.
Xây dựng lực lượng xung kích cơ sở
Cũng theo UBND huyện Hải Hậu, trước khi xây dựng lực lượng xung kích, ở các xã trên địa bàn huyện đã bố trí lực lượng thường trực PCTT, mỗi xã bố trí 50- 60 người trong đó chủ yếu là dân quân tự vệ, thanh niên, công an. Lực lượng này đóng vai trò nòng cốt quan trọng thực hiện công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” của địa phương với các nhiệm vụ: bảo quản vật tư, trang thiết bị dự trữ; hướng dẫn cho nhân dân phòng chống thiên tai (chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, …); tuần tra canh gác bảo vệ đê điều, tham gia tổ chức hộ đê và xử lý các sự cố về đê điều;
Đồng thời, tổ chức sơ tán dân; bảo vệ tài sản nhân dân khi thiên tai xảy ra; hướng dẫn, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai; xử lý các tình huống để kịp thời ứng phó trước, trong và sau bão, lũ…
Điển hình như trong cơn bão số 10, số 11 năm 2017, thị trấn Thịnh Long đã huy động 1.130 người, xã Hải Hòa huy động 320 người, xã Hải Minh huy động 420 người (trong đó nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ) để kịp thời triển khai xử lý giờ đầu, khắc phục các sự cố về đê điều.
Thực hiện Luật phòng chống thiên tai, Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ và các Văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương, UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, từ đầu năm 2020, UBND huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT cấp xã và xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định.
Đê biển Hải Hậu - tỉnh Nam Định |
Hiện nay huyện Hải Hậu đã thành lập 34 đội xung kích phòng, chống thiên tai ở 34 xã, thị trấn với số lượng từ 70- 110 người/xã (xã có đê biển, đê sông 110 người; xã nội đồng 70 người) phục vụ tốt công tác PCTT của địa phương. Lực lượng này đã tham mưu xây dựng và triển khai rất kịp thời các phương án, kế hoạch PCTT; hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra; kiểm tra, kịp thời phát hiện và báo cáo các sự cố về đê điều trên các tuyến đê sông, đê biển; tham gia diễn tập phòng chống thiên tai năm 2020 tại xã Hải Hòa; tham mưu tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2020…
Đáng chú ý, hiện nay lực lượng xung kích PCTT xã Hải Chính (đại diện cho tỉnh Nam Định) đang tích cực tập luyện để tham dự cuộc thi “Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai” toàn quốc được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2020.
Nâng cao năng lực lực lượng PCTT từ cơ sở
Mặc dù vậy, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nam Định, lực lượng xung kích PCTT tại các xã, thị trấn chủ yếu được lấy từ lực lượng như dân quân tự vệ, đoàn thanh niên... việc đào tạo, huấn luyện bài bản về kỹ năng ứng phó từng tình huống thiên tai còn hạn chế, chưa thường xuyên nên trong quá trình triển khai còn có lúng túng nhất định, đặc biệt trong một số tình huống thiên tai khẩn cấp. Trong khi, trang thiết bị PCTT cứu hộ, cứu nạn và thiết bị bảo hộ cho lực lượng xung kích PCTT còn nhiều thiếu thốn.
Một số xã, thị trấn lực lượng xung kích đã được lập danh sách để tham gia công tác phòng chống thiên tai tại địa phương, nhưng thực tế khi cần huy động thì một số người lại không có mặt thường xuyên tại địa phương. Một số xã, thị trấn chưa bố trí được nơi làm việc, sinh hoạt thường xuyên cho lực lượng xung kích PCTT.
Do vậy, để lực lượng xung kích phòng chống thiên tai hoạt động hiệu quả cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; lực lượng này cần được trang bị cơ bản các thiết bị bảo hộ, trang thiết bị PCTT-TKCN và được động viên kịp thời, thường xuyên.
Lực lượng xung kích PCTT cần lấy lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt và bổ sung những thanh niên thường xuyên có mặt trên địa bàn. Đồng thời, trước mùa lũ bão hàng năm cần rà soát danh sách để kiện toàn cho phù hợp, đảm bảo kịp thời huy động khi có tình huống xảy ra. Phối hợp tốt với các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn để tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.
Cùng với đó, kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn từng xã phải xây dựng sát với thực tiễn; trong đó phân giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lựng xung kích PCTT để tổ chức thực hiện; duy trì thường xuyên hoạt động của lực lượng xung kích PCTT, nhất là trong mùa lụt bão.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng của lực lượng xung kích PCTT để mỗi thành viên trong lực lượng nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như dành được sự quan tâm ủng hộ của toàn thể nhân dân trên địa bàn.
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, đặc biệt khi lũ, bão lớn xảy ra, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Nam Định sớm đầu tư nâng cấp các công trình xung yếu.
Bên cạnh đó, bố trí kinh phí hỗ trợ và thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích tại địa phương. Hàng năm có cơ chế hỗ trợ ngân sách cho địa phương về phụ cấp, quần áo bảo hộ, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai.