Tình người cao hơn sóng biển Tây Nam

Biển đảo - Ngày đăng : 11:51, 05/07/2020

(TN&MT) - Trong quá trình bay biển hoặc dong buồm vươn khơi đánh bắt hải sản ngoài vùng biển Cà Mau chẳng mai gặp nạn, những “lính bay” và ngư dân 6 tỉnh Tây Nam bộ đều được cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/10 hiệp đồng cứu giúp nhiệt tình với tinh thần “tình người cao hơn sóng biển”. Và tình người ấy đã ăn sâu trong mỗi trái tim người lính ở nhà giàn này suốt 26 năm qua kể từ ngày DK1/10 thành lập.

Bộ đội Nhà giàn DK1/10 đón máy bay trực thăng ra luyện tập

Sân đỗ an toàn của “chuồn chuồn”

“Đồng chí số 1, số 2 trải lưới, ngành thông tin hạ vật cản, ngành hậu cần chuyển bồn rau, radar quan sát mặt biển, cơ yếu chuyển điện báo cáo sở chỉ huy. Tất cả xong trước 9 giờ để máy bay hạ cánh an toàn. Tuyệt đối không được sai sót”- tiếng Đại uý Nguyễn Văn Thanh- vị chỉ huy trưởng trẻ nhất trong 15 nhà giàn DK1 đanh thép giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ từ “Pháo đài thép” DK1/10.

Nhanh như cắt, chiến sĩ thông tin cúi rạp người “luồn” lên cầu thang, rút chốt hạ cột cờ, tháo cần ăng ten. Chiến sĩ số 1,2 trải lưới, cố định 6 góc vào vị trí. Cùng thời điểm, Thiếu tá CN Nguyễn Văn Bảy cùng một chiến sĩ trẻ khiêng bồn rau vào kho để “trốn gió”, trong khi đó nhân viên thông tin gọi trong tổ hợp “01 đâu, 01 đâu nghe rõ trả lời”. Ở phòng radar, chiến sĩ đối hải mở máy quét mặt biển, nhân viên cơ yếu dịch điện ở phòng cơ yếu.... một “ê kíp” tinh nhuệ trong nhiệm vụ đón máy bay trực thăng hạ cánh nhà giàn mùa biển lặng.

8 giờ sáng, biển nhà giàn DK1/10 phẳng như mặt gương trải dài xa tít tắp. Đây cũng là thời điểm nhìn được ở cự ly xa nhất, yên bình nhất. Ở khoảng biển góc trái nhà giàn, từ mặt nước “bốc” những làn hơi mỏng. Trắc thủ Radar Nguyễn Văn Long bảo, đó là hơi nước biển mặn. “Hiện tượng nhìn thấy nước biển bốc hơi năm có một lần vào ngày biển lặng nhất. Đây cũng là tín hiệu có biển động sau đó.

Nhà giàn cấp cứu ngư dân gặp nạn

Thông thường hơi nước biển bốc chừng 2-3 ngày, rồi cá heo nổi lên, sau đó là dông tố hoặc biển động mạnh. Thời tiết đẹp, biển êm, thuận lợi cho việc máy bay tập cất hạ cánh. Năm nào chúng tôi cũng đón nhiều máy bay trực thăng từ Trà Nóc ra luyện tập. Đây là nhiệm vụ thường xuyên mỗi năm vào mùa biển lặng”- anh Long cho hay.

Giờ G điểm. Xé tan bầu trời yên ả là tiếng máy bay trực thăng ầm ầm từ bầu trời. Chiến sĩ tín hiệu đứng đầu cầu thang trượt đưa tín hiệu “sân đỗ an toàn, mời máy bay hạ cánh”. Chiếc EC 225 lượn một vòng trên không trung rồi từ từ “cập bến” an toàn. Các chiến sĩ đón những phi công bằng những cái bắt tay thân tình trong niềm phấn khởi. Thiếu tá Nguyễn Hải Triều, Phi đội Trưởng phi đội bay nói to trong tiếng quạt gió: “Hạ cánh an toàn. Xin chào đồng đội nhé”, rồi anh bàn giao cho đồng đội khác thực hiện luyện tập cất hạ cánh trên nóc nhà giàn.

Anh Triều chia sẻ: “Luyện tập cất hạ cánh ở nhà giàn DK1 rất khó. Ngoài kỹ năng, trình độ, bản lĩnh, tinh thần thép, mỗi phi công phải có “linh cảm” tốt mới hạ đúng vị trí. Có khi bay tốt nhưng hạ lệch tâm cũng không đạt yêu cầu. Có khi hạ tốt nhưng khi cất cánh bị “đánh võng” thì rất nguy hiểm. Không có gì có thể nói trước được khi làm nhiệm vụ bay biển.

Nhiều khi thời tiết báo biển lặng, sóng yên, nhưng khi bay được nửa chặng đường bỗng dưng trời nổi gió lớn. Có khi gặp cơn mưa giữa biển không hạ cánh được đành bay vòng trên trời”. “Đánh võng bay là gì thưa anh?” tôi hỏi? “Đó là khi cất cánh máy bay không vút lên mà lao xuống mặt biển, sau đó mới vút lên được. Gặp tình huống đó, phi công phải nhanh trí “nhấn ga” cho máy bay “vọt” lên. Những “cú hút hồn” đó được đánh giá là “mất an toàn”- anh Triều nói. Phi công Triều cũng cho biết thêm, hạ cánh không an toàn tức là bụng máy bay không “trùm” lên chữ “H”, hoặc bánh máy bay trật khỏi lưới chống trượt.

Tàu cá của ngư dân miền Tây cặp nhà giàn

Để bảo đảm an toàn cho máy bay cất hạ cánh, việc trải lưới chống trượt là quan trọng nhất. Đại úy Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Trải lưới chống trượt nhưng cố định không chắc các góc sẽ nguy hiểm cho máy bay. Bởi khi máy bay hạ cánh, gia tốc trượt theo, nhờ lưới ô vuông sẽ giữ bánh máy bay lại. Sức gió của cánh quạt rất lớn, nên khi cất, hạ cánh, chúng tôi đều phải tránh xa, không đứng trên trần nhà. Đây là qui định bộ đội ai cũng nắm được. Ngoài làm việc theo nhiệm vụ, chúng tôi còn làm vì tình đồng đội, tình người”.

Dùng miệng hút nước tiểu trong bàng quang người bệnh

Nhà giàn DK1/10 xây dựng cuối năm 1994 trên bãi cạn san hô ngầm ngoài khơi thuộc địa giới quản lý hành chính của tỉnh Cà Mau. Nhà giàn này cách Vũng Tàu gần 600 hải lý, nhưng chỉ cách Mũi Cà Mau gần 200 hải lý. Và đây là điểm tựa vững chắc của bà con ngư dân 6 tỉnh miền Tây Nam bộ ra vùng biển này khai thác đánh bắt hải sản.

Đại úy Nguyễn Văn Thanh không kìm được cảm xúc khi hồi tưởng lại chuyện cứu ngư dân bị tắc mạnh ổ bụng nguy cơ tử vong cao. “Tất cả bà con ngư dân khi gặp tai nạn lao động đều được chúng tôi cứu chữa vô điều kiện. Mặc dù cơ sở y cụ hiện nay còn nhiều hạn chế, nhưng những cấp cứu thông thường ban đầu tại chỗ, chúng tôi làm tốt trong điều kiện cho phép”- đại úy Thanh cho hay.

Một đêm tháng 7-2019, khi 10 cán bộ chiến sĩ chuẩn bị đi ngủ thì chiến sĩ radar phát hiện một vật lạ trên biển ngày tiến sát vào nhà giàn. Chiến sĩ thông tin lên máy kên 14A thì nghe giọng một người đàn ông khàn đặc kêu thất thanh: “Tàu cá gọi nhà giàn, tàu cá gọi nhà giàn. Chúng tôi có người gặp nạn xin được cứu giúp”. Đại úy Thanh triển khai ngay ca cấp cứu khẩn cấp. Chiến sĩ quân y chuẩn bị thuốc, cáng; chiến sĩ pháo thủ chuẩn bị dây mồi cứu người.

Thắm tình quân dân ở nhà giàn đất mũi

Tháng bảy sóng to gió lớn, những cơn sóng “dựng” như vách núi đổ ập vào chân đế nhà giàn. Để đưa người bệnh từ tàu cá lên giàn không dễ. Trước tình huống sóng to gió lớn ấy, đại úy Thanh đã chỉ huy bộ đội tung dây mồi, chuyển cáng xuống tàu cá. Ngư phủ bị bệnh được cột chặt vào cáng và chuyển lên giàn bằng kéo dây. Đưa người bệnh lên giàn giữa đêm tối mịt mùng vô cùng khó khăn. Nhưng đó chưa phải là tận cùng. Người bệnh bí tiểu, bụng trướng to, nguy cơ tử vong cao và có thể vỡ bàng quang. Y sĩ nhà giàn đã dùng các thủ thuật ép bụng, bấm huyệt nhưng vẫn không hiệu quả.

Tình huống lúc này là phải “tháo nước” trong bàng quang người bệnh. Không ngần ngại, chiến sĩ quân y đã dùng miệng hút nước tiểu bệnh nhân thông qua ống thông tiểu. Nước ấm cũng được chườm nhẹ bàng quang. Một tiếng trôi qua, hai tiếng qua mau, trong lúc đã có những giọt nước mắt rơi xuống nhà giàn thì bỗng dưng người bệnh tỉnh lại. Mọi người đứng vây quanh rơi nước mắt.

Người tài công của tàu cá ôm chầm lấy chiến sĩ quân y khóc và nói: “Cảm ơn các anh, nếu không có các anh chúng tôi đã bỏ mạng ở giữa biển khơi này”. Giữa ánh điện lòa sáng của pin năng lượng mặt trời, mắt ai cũng rưng rưng xúc động và ánh lên niềm vui vì cứu được bệnh nhân sống lại.

Chuyện tình

5 năm trước - mùa thu 2015, Thượng úy Võ Quang Thường, Phó chỉ huy trưởng DK1/10 đem lòng “thương thầm nhớ trộm” thiếu nữ An Giang sau sự cố “cứu bố cô gái bị cá cờ đâm”gặp nạn lúc lao động giữa biển.

Tàu hải quân lai dắt tàu cá ngư dân trở về đất liền sau khi cứu nạn

Chiều hôm ấy, trong khi cán bộ chiến sĩ nhà giàn vừa ngồi vào mâm cơm chiều thì máy I-com sóng cực ngắn kêu: “Tàu cá gọi nhà giàn, tàu cá gọi nhà giàn” trên kênh 14A. Tài công của tàu cá An Giang xin cấp cứu vì có một ngư dân bị cá kìm cờ đâm thấu đùi, gây sốt và nguy cơ hoại tử. Ngư dân ấy là ông Phạm Văn Bé, 53 tuổi.

Sau khi đón ngư dân gặp nạn lên giàn, phương án mổ cấp cứu được triển khai gấp. Y sĩ nhà giàn đã mổ, gắp đầu nhọn của mõm cá thu cờ ra khỏi đùi, vô khuẩn, băng bó, truyền dịch. Sau ba ngày tích cực kháng sinh chống nhiễm trùng, ông Bé đã tỉnh lại. Nắm tay Thượng uý Thường, ông Bé rơi nước mắt bảo “Cho tui nhận các chiến sĩ là người anh em kết nghĩa nhá”.

Bữa cơm chia tay, ông Bé đưa tấm ảnh con gái ông đang học đang làm trong ngành du lịch ở Cà Mau, khoe bảo: “Nó thích bộ đội hải quân lắm. Tui cũng muốn có rể hải quân, anh làm con rể tui được không”?. Chàng lính nhà giàn gãi tai xin số điện thoại và bảo “cháu sẽ về An Giang”.

Sau 12 tháng làm bạn biển khơi, Thường về đất liền rồi bắt xe đò về An Giang tìm cô gái trong ảnh. Họ quen nhau rồi yêu nhau từ đó.

Hiện chàng lính nhà giàn đang học ở Học viện Hải quân Nha Trang, còn cô thôn nữ vẫn làm ở ngành du lịch Cà Mau. Dù cách xa về quãng đường, nhưng trong trái tim họ không cách xa tình cảm. Ngày nào họ cũng “gặp nhau” trong zalo. Thường bảo: “Cuối năm em làm đám cưới. Em sẽ làm rể miền Tây và tiếp tục đi nhà giàn DK1”.

Lê Khanh