Bà Rịa – Vũng Tàu: Chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão

Môi trường - Ngày đăng : 22:20, 03/07/2020

(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành văn bản, đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão năm 2020.

Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các cơ sở sản xuất nằm gần khu vực hồ chứa nước nghiêm túc triển khai các nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần chủ động triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, sự cố chất thải có thể xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ảnh hướng xấu đến môi trường.

Trong đó, lưu ý cần bảo vệ khu vực các hồ chứa chất thải, nước thải, các khu vực hóa chất, xăng dầu; các hồ chứa nước thải sau xử ý của các cơ sở sản xuất kinh doanh gần hồ, sông, suối…phải chủ động rà soát lại hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao các khu vực trên để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điềm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa; thực hiện nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do sạt lở có thể xảy ra; tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan, địa phương để đảm bảo vận hành thường xuyên các công trình xử lý môi trường…

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiên nghiêm túc các quy định về ứng phó sự cố chất thải.  Cụ thể, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phòng chống sự cố, giải quyết các tình huống giả thiết để có thể triển khai chủ động ứng phó; bố trí đầy đủ lực lượng, vật dụng cần thiết, ứng trực 24/24h sẵn sàng triển khai các giải pháp khắc phục khi có sự cố môi trường xảy ra.

Trường hợp sự cố về chất thải trong khả năng của cơ sở, người đại diện (chỉ huy) có trách nhiệm thực hiện biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt; đồng thời có trách nhiệm báo cáo cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và UBND cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố.

Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến UBND cấp huyện, cấp xã hoặc Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để được tổ chức ứng phó,  giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại môi trường, sức khỏe của nhân dân…

Linh Nga