Hà Nội triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ
Môi trường - Ngày đăng : 15:54, 03/07/2020
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong mùa mưa lũ năm 2020, các Công ty thủy lợi và địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện kịp thời những sự cố và có biện pháp xử lý kịp thời. Các Công ty thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước; lập và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình hình khẩn cấp.
Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ 2020. Ảnh minh họa |
Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản giả định với các phương án ứng phó cụ thể gồm: mực nước trong hồ ở mực nước dâng bình thường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn (Kịch bản 1); mực nước trong hồ ở mực nước gia cường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn (Kịch bản 2); mực nước hồ cao bằng đỉnh đập (Kịch bản 3).
Phát hiện kịp thời, xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”
Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, với Kịch bản 1 khi mực nước trong hồ ở mực nước dâng bình thường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn, đưa ra một số tình huống cụ thể. Trong đó, khi xảy ra mạch sủi, rò rỉ ở đập đất: nếu mạch sủi, rò rỉ ra phía hạ lưu là nước trong thì xử lý bằng cách đắp bờ quay, tập trung nước và dùng máng dẫn nước ra khỏi chân đập để tránh gây ướt mái đập, sạt trượt mái đập; nếu mạch sủi, rò rỉ ra phía hạ lưu mà nước đục thì đắp bờ quay, làm tầng lọc ngược theo đúng quy trình, làm máng dẫn nước (nước trong) ra khỏi mái đập.
Trong trường hợp sạt trượt mái thượng, hạ lưu: dùng vải chống sóng rải theo chiều dài mái bị trượt để hạn chế bớt áp lực do sóng đánh từ ngoài vào, đắp bù mái bằng bao tải đất để giữ ổn định cho mái đập (sạt trượt mái thượng lưu); đào rãnh thoát nước xung quanh phía trên khối trượt để ngăn không cho nước mưa ảnh hưởng trực tiếp đến khối trượt, xử lý sự cố bằng cọc tre và bao tải đất (sạt trượt mái hạ lưu).
Ở kịch bản 2, khi mực nước hồ dâng cao và có nguy cơ vỡ đập, phải thông báo ngay với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện để tổ chức di dời dân đến vị trí an toàn; huy động lực lượng xung kích và các đơn vị bộ đội tổ chức ứng cứu xử lý các sự cố đảm bảo an toàn công trình.
Cũng theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, với kịch bản 3 – khi mực nước hồ cao bằng đỉnh đập, thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm hạ thấp mực nước hồ như: mở tràn sự cố (nếu có), xả nước qua tràn và qua cống lấy nước. Lập phương án chủ động cho tràn qua một phần đập để đảm bảo an toàn cho đập và khu vực dân cư chịu ảnh hưởng phía hạ du đập.
Các công ty có trách nhiệm lập phương án chi tiết về phương án dự trữ vật tư, phương tiện và huy động nhân lực, phương án sơ tán dân vùng hạ du đối với từng tình huống cụ thể.
“Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 117 đập, hồ chứa nước thủy lợi. Đa phần các hồ chứa thủy lợi đều đã được đưa vào sử dụng trên 30 năm. Trong các năm vừa qua, tuy đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp những nhiều hạng mục công trình như: đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình khi tham gia chống lũ”, Chi cục Thủy lợi Hà Nội.
Để có cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả phương án đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra, tu bổ các tuyến đường dây cao thế, trạm biến áp; có phương án xử lý kịp thời các sự cố; ưu tiên cung cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động ổn định, hết công suất.
Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã triển khai giải tỏa các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt trên các trục kênh, cống tiêu, bể hút các trạm bơm phục vụ tiêu úng.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT TP sớm hoàn thiện dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Phù Đổng, đẩy nhanh việc triển khai dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, nạo vét sông Nhuệ đoạn từ Liên Mạc đến vành đai 4 để khắc phục sự quá tải về tiêu cho sông Nhuệ đoạn trên Hà Đông, chủ động tiêu chống ngập nội thành Hà Nội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước… thanh thải toàn bộ lòng kênh, bể hút trạm bơm tiêu đang được đầu tư cải tạo, sửa chữa đảm bảo yêu cầu thoát nước.