Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hành động, chống trì trệ để phát triển đất nước
Trong nước - Ngày đăng : 22:24, 02/07/2020
Cuối giờ chiều 2/7, sau khi lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có 43 kiến nghị trực tiếp tại hội nghị, 311 kiến nghị gửi bằng văn bản và giao Bộ KH&ĐT, VPCP tiếp thu, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ với tinh thần tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, cần làm ngay, làm càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng nói. “Một tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hành động, chống trì trệ để phát triển đất nước |
Nhắc lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”.
Hành động, chống trì trệ để phát triển đất nước
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải tận dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa để phục hồi và phát triển kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ.
Điểm lại 3 nét nổi bật, được nêu nhiều thời gian qua, Thủ tướng cho hay, trong thời gian qua, chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh, giải quyết tốt mục tiêu kép về cả chống dịch và phát triển kinh tế. Đây là thành công nên niềm tin của nhân dân, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Hai là, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dù thấp nhưng vẫn cao trong khu vực và thế giới vì thế giới tăng trưởng âm. Ba là các bộ, ngành địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu kép. Nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng đã lăn lộn, ngày đêm làm việc.
Thủ tướng cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay tình hình thế giới tiếp tục xấu đi, diễn biến khó lường, kinh tế thế giới âm rất sâu ở tất cả khu vực. Do đó, chúng ta phải tiếp tục theo dõi để phòng nguy cơ, nắm bắt cơ hội, từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tiến công trên mặt trận kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp 3, không chùn bước, không bàn lùi để phát triển đất nước, phát triển các địa phương”. Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, từng bộ, ngành, địa phương thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về đầu tư công và thể chế.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một số định hướng lớn trong thời gian tới cần phải bắt tay ngay vào thực hiện. Một là kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại. Đây là điều kiện tiên quyết phát triển kinh tế đất nước. “Nếu COVID-19 vào Việt Nam lần thứ hai sẽ xoá nhoà kết quả, chúng ta sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được” - Thủ tướng nói.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu cần phải chú ý ưu tiên đầu tư, phát triển kinh doanh, thúc đẩy thu nhập, đảm bảo đời sống nhân dân. Vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng, phải hướng vào môi trường này để tạo nên sự phát triển của đất nước. Ba là điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt hơn, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát giữ dưới 4% là mục tiêu xuyên suốt. Kiểm soát giá phải thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Nhiệm vụ thứ 4, Thủ tướng yêu cầu cần phải hỗ trợ hiệu quả các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế. Nếu để đứt gãy kinh tế sẽ gây khó khăn trong trung và dài hạn. Năm là có cơ chế thu hút các nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và FDI, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân để thúc đẩy thị trường trong nước. Tiếp tục kích cầu du lịch nội địa.
Thủ tướng nhấn mạnh, sức bật và sự năng động của kinh tế tư nhân là vấn đề rất lớn. Các đô thị lớn phải là đầu tàu. Mặt khác, môi trường kinh doanh vô cùng quan trọng, do đó về quản lý nhà nước về thể chế cần tạo được môi trường để phát triển.
Thủ tướng Chính phủ kết luận Hội nghị Chính phủ với địa phương chiều ngày 2/7 |
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cần chú trọng chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, việc làm của người lao động và hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Không để ai quá khổ, quá khó khăn trong đại dịch COVID-19. Đồng thời, cần tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, đảm bảo tổ chức Đại hội XIII của Đảng.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng cho hay, Chính phủ phải xem xét tình hình thế giới để quyết định mở cửa thế nào, mở cửa đến đâu để đảm bảo an toàn cho đất nước. Về giải ngân vốn đầu tư công, lượng tiền rất lớn là gần 30 tỷ USD, trong đó 60% nằm ở các địa phương. Vì thế, phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng. “Đồng chí bí thư, chủ tịch đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ”.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020. “Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn”. Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.
Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.
Về tài khóa, Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký ô tô, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…
BHXH nghiên cứu báo cáo cấp thẩm quyền về việc tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc tạm dừng hoặc miễn đóng BHXH. Công đoàn nên xem xét miễn, giảm phí công đoàn 2% trong năm nay. “Chúng tôi đã đưa ra Chính phủ thảo luận và trình Quốc hội miễn lệ phí trước bạ 50% đối với xe lắp ráp trong nước thì số xe bán ra những ngày vừa qua tăng trên 30-40%”, Thủ tướng lấy ví dụ về việc kích thích thị trường tiêu dùng trong nước với những giải pháp cụ thể.
Thủ tướng đề nghị các các ngành, các cấp, các địa phương phấn đấu năm nay không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu. Về công nghiệp xây dựng, Thủ tướng nêu rõ, tạo điều kiện cho người dân làm nhà. “Người ta nói với tôi tại sao huyện Bình Tân (TPHCM) làm được nhiều nhà như thế, chính sách nào? Còn huyện Bình Chánh tại sao có tình trạng khó khăn như vậy?”.
Nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng đề nghị “các đồng chí bí thư, chủ tịch phải nghe xem doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá thể trên địa bàn của mình khó khăn như thế nào để mà tháo gỡ, tạo điều kiện. Chứ còn chúng ta chỉ nghe chung mà không nghe xử lý cụ thể thì khó có thể tạo ra môi trường đầu tư”.
Làm tốt công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng nhắc đến việc đưa bà con có nhu cầu về nước (con số này vào khoảng 14.000 người). “Hằng ngày máy điện thoại của Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng lên bởi vì tin nhắn. Tin nhắn về con tôi nhỏ tuổi đang ở bên kia dịch bệnh khó khăn, đau ốm, hết tiền bạc, tôi đi chỗ này chỗ kia bị kẹt lại, thế này thế kia”. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT bố trí phương tiện để xử lý vấn đề này.