Đống Đa – Hà Nội: Bồi thường theo văn bản đã hết hiệu lực?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:26, 02/07/2020

(TN&MT) - Dự án đường bộ trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Vĩnh Tuy được tiến hành từ năm 2018, thế nhưng đến nay, vấn đề giải phóng mặt bằng tại khu vực dự án đi qua là phường Phương Mai, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến 65 hộ dân tổ 44, phường Phương Mai gửi đơn phản ánh việc UBND quận Đống Đa dùng Quyết định phê duyệt phương án bồi thường vận dụng theo một văn bản đã hết hiệu lực, gây thiệt hại cho lợi ích người dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Kỳ, đại diện cho 65 hộ dân tổ 44, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội) khiếu nại việc UBND quận Đống Đa áp giá đền bù thu hồi đất của các hộ dân không đúng quy định.

Đây là các hộ dân trong diện phải di dời để GPMB phục vụ “Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành Đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT trên địa bàn phường Phương Mai.

Theo Khoản 2, Khoản 3, điều 74 Luật Đất đai quy định, Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Và Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Nhiều người dân làm việc với phóng viên

Tuy nhiên, Quyết định thu hồi đất ký sớm nhất của người dân ký ngày 10/3/2020, nhưng giá đất cụ thể để bồi thường chính quyền vẫn căn cứ vào Quyết định số 5151/QĐ –UBND phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để làm căn cứu bồi thường...từ ngày 26/9/2018 và Quyết định số 96/2014/QĐ –UBND ngày 19/12/2014 ban hành quy định về gia các loại đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã hết hiệu lực từ 31/12/2019 và đã được  thay thế bằng Quyết định số 30/2019/QĐ –UBND có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Việc UBND quận Đống Đa áp giá đền bù thu hồi đất của các hộ dân căn cứ theo Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND là không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo hồ sơ người dân cung cấp, UBND quận Đống Đa đã tiến hành áp giá đất cụ thể để bồi thường cho các hộ dân theo Quyết định 5151/QĐ-UBND ngày 26/9/2018, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở để xác định giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án của UBND TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản ký.

Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND đã hết hiệu lực và thay thế bằng Quyết định số 30/2019/QĐ - UBND

Tại mục 2, Điều 1 của Quyết định trên nêu: Vị trí 3 đường Giải Phóng (đối diện đường tàu) địa phận quận Đống Đa: Hệ số điều chỉnh giá đất là 1,9843 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố. Tương ứng giá đất cụ thể là 39.170.000 đồng/m2.

Xét về nội dung, Quyết định số 5151/QĐ-UBND ngày 26/9/2018 của UBND TP. Hà Nội không quy định về thời gian, hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, xét về bản chất, trong Quyết định đã lấy Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND là một văn bản đã hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2019. Chính điều này khiến người dân bức xúc và khiếu kiện.

Để có thông tin khách quan, chúng tôi đã liên hệ với UBND quận Đống Đa và được giới thiệu tới Ban Quản lý dự án quận Đống Đa làm việc. Tiếp phóng viên có ông Nguyễn Hoàng Hà – Phó Giám đốc Ban QLDA, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó phòng GPMB.

Trả lời liên quan đến sự việc người dân khiếu nại UBND quận Đống Đa áp dụng Quyết định 5151/QĐ-UBND trong đó có vận dụng Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND là một Quyết định đã hết hiệu lực để tiến hành áp giá đền bù cho các hộ dân tại thời điểm thu hồi đất liệu có đúng quy định của pháp luật? Ông Nguyễn Hoàng Hà khẳng định: Việc UBND quận Đống Đa áp dụng Quyết định 5151/QĐ-UBND là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND đã hết hiệu lực nhưng Quyết định 5151 còn hiệu lực. Ông Hà còn cho rằng, Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND là “phương pháp, công cụ” để xây dựng lên Quyết định 5151/QĐ-UBND.

Ông Hà cho biết thêm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 về việc ban hành Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, về phạm vi áp dụng tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND lại không có điểm B Khoản 2 Điều 1: Tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Có thể thấy, việc áp giá đền bù thu hồi đất cụ thể để bồi thường cho các hộ dân theo Quyết định 5151/QĐ-UBND căn cứ theo Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND – là văn bản đã hết hiệu lực của UBND quận Đống Đa còn khiến người dân chưa "tâm phục, khẩu phục".

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2290/UBND-KT ngày 9/6/2020 về việc xử lý vướng mắc về việc thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Văn bản đã hướng dẫn cụ thể về việc một số UBND quận, huyện đề nghị xác định lại giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Hiện nay, người dân cũng đang mong việc UBND quận Đống Đa áp dụng Văn bản số 2290/UBND-KT để xác định lại giá đất.

Trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Quyết định số 5151/QĐ-UBND ngày 26/9/2018 của UBND TP. Hà Nội căn cứ Quyết định 96/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội là Văn bản hết hiệu lực thi hành ngày 31/12/2019 được thay thế bằng Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND thành phố Hà Nội. Như vậy, Quyết định 5151/QĐ-UBND đã hết hiệu lực pháp luật.

Việc Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 không áp dụng cho trường hợp: Tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến bỏ ngỏ căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, Quyết định số 5151/QĐ-UBND ngày 26/9/2018 áp dụng Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND (văn bản đã hết hiệu lực pháp luật) để tính giá bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất là trái quy định tại Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Lẽ ra, UBND thành phố Hà Nội phải ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 5151/QĐ-UBND ngày 26/9/2018 làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ đối với Dự án mới phù hợp với quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị thu hồi đất.

 Đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc trả lời những khúc mắc của người dân tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Xuân - Quán Dũng