Ninh Bình: Lãng phí ở dự án trồng rau công nghệ cao

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:21, 02/07/2020

(TN&MT) - Năm 2017, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) được Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao và Xúc tiến thương mại hỗ trợ đầu tư xây dựng Dự án trồng rau công nghệ cao. Tuy nhiên, đến nay, dự án này đang bộc lộ những bất cập, kém hiệu quả, gây lãng phí.

Có mặt tại khu vực triển khai Dự án trồng rau công nghệ cao tại xóm 9, xã Khánh Hồng, những gì còn lại của dự án là hàng trăm chiếc cọc bê tông trơ trọi dựng đứng trên 10.000 m2 đất, hệ thống đường ống nước tưới tự động đã bị hư hỏng nặng nề, nhiều đoạn nứt, vỡ và nhiều vị trí đất còn bỏ trống hoang phí.

Nhiều hộ dân từng tham gia dự án này cho biết: Khi biết có dự án trồng rau công nghệ cao, chúng tôi rất háo hức và hy vọng đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Kỳ vọng lắm thì thất vọng cũng không ít, khi chỉ mới hoạt động được một thời gian thì dự án trồng rau công nghệ cao này dường như bị “phá sản”, người dân quay lại lối sản xuất, canh tác truyền thống.

Dự án trồng rau công nghệ cao hiện chỉ còn trơ trọi lại những cọc bê tông

Ông Lê Việt Cường, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Khánh cho biết: Dự án này do Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Sở NN&PTNT trực tiếp phối hợp với xã Khánh Hồng và các hộ dân để triển khai. Dự án cũng có thành lập tổ hợp sản xuất, nhưng do quản lý không tốt cùng với một số điểm chưa phù hợp với địa phương nên dẫn đến kém hiệu quả.

Hệ thống tưới nước tự động bị hư hỏng, nứt, vỡ

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết: Dự án trồng rau công nghệ cao được thực hiện trên diện tích 10.000 m2, với 40 hộ dân trên địa bàn xã tham gia. Dự án ban đầu có hệ thống tưới nước tự động, cọc bê tông, lưới che phủ ngăn ngừa sâu bệnh nhằm sản xuất rau sạch, rau an toàn. Khi đó, các loại rau, quả như dưa kim cô nương, cải bắp… được các cán bộ hướng dẫn trồng theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa vấn đề phun thuốc bảo vệ thực vật. 

Nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao nhưng sản phẩm vì không được trồng theo hướng chuyên canh nên bị hạn chế về mặt số lượng khi cung cấp cho các công ty thực phẩm, do đó sản phẩm không có đầu ra thường xuyên gối vụ. Còn lưới che phủ thì giao cho Hợp tác xã mang về cất, hệ thống tưới nước tự động đã hư hỏng hết, thế nên người dân đành quay về với mô hình sản xuất thủ công.

Sau thời gian hoạt động kém hiệu quả, người dân đành quay lại với dự án trồng rau công nghệ cao để trở về với lối canh tác truyền thống

Việc đầu tư vào sản xuất rau công nghệ cao có chi phí không hề thấp, lại không được sản xuất đại trà, mạnh ai người đó làm khiến đầu ra không có, bán trôi nổi ra chợ thì giá trị mang lại rất thấp. Trong khi, đầu tư dự án thì mất tiền tỷ, hiệu quả không tương xứng thì dân bỏ dự án, quay về lối canh tác truyền thống cũ là chuyện rất bình thường.

Bà Đào Thị Liên người dân xã Khánh Hồng chia sẻ: Dự án khi triển khai bị thiếu nước tưới cho cây trồng, hoa màu nên không thể sản xuất theo phương án được, nước không có thì làm sao làm được nông nghiệp công nghệ cao. Bà con chúng tôi cũng rất mong muốn cấp trên cho triển khai lại dự án trồng rau công nghệ cao, đồng thời tìm được đầu ra cho sản phẩm góp phần để người dân yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập.

Anh Tú