Địa phương 'hiến kế' khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19
Trong nước - Ngày đăng : 17:00, 02/07/2020
Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng cho biết, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Theo Thủ tướng, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh. “Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để COVID-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng cho biết.
Nhìn nhận tình hình còn rất khó khăn, Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh ấy chúng ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt.
Hà Nội: Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ phát triển kinh tế xã hội hậu COVID-19
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu COVD-19 giống như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh để định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu COVD-19 |
Về phía Hà Nội, thành phố sẽ chuẩn bị từ 10-15 khu vực trên địa bàn, bố trí gian hàng về nông, lâm, thủy, hải sản và rau củ quả của các tỉnh thành khác. Các điểm bán hàng này sẽ được miễn phí hoàn toàn nhằm kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và tăng cường các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản và rau củ quả của các địa phương khác ở thủ đô.
TP.Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin phép thành phố khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2015 là đạt 60%.
Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, kích cầu đầu tư
Trong khi đó, TP.HCM đưa ra nhóm 8 giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, các giải pháp bao gồm, kiên trì theo đuổi mục tiêu kép, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh với đời sống xã hội trong bối cảnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, tập trung tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến đại hội Đảng bộ thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng nêu ý kiến sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ tốt, tháo gỡ khó khăn, kích cầu đầu tư cho các doanh nghiệp để phát triển sau dịch COVID-19. TP.HCM cũng lên kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao tạo khí thế trong trạng thái bình thường mới, từ đó đẩy mạnh du lịch, trước mắt là nội địa rồi đến quốc tế khi tình hình COVID-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, triển khai mạnh chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tận dụng cơ hội của EVFTA để tăng cường xuất khẩu phần mềm, nội dung số.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm có thông báo về tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, từ đó giúp TP.HCM và các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong thời gian tới.
Thành phố Hải Phòng: Xây dựng quy hoạch vùng cho địa phương liên kết hợp tác phát triển
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng mong muốn Chính phủ sớm xây dựng quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, làm cơ sở cho địa phương đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển kinh tế xã hội.
Hải Phòng đề nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương được chủ động chuyển đổi trên 10 ha đất lúa sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ và xây dựng các khu tái định cư. Bên cạnh đó, không khống chế diện tích đất lúa đối với các địa phương có khả năng phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Tùng cũng đề nghị Thủ tướng và Bộ Xây dựng sớm phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng thành phố đối với một số địa điểm trên đảo Cát Bà với diện tích 545 ha để xây dựng hạ tầng du lịch.
Cuối cùng, thành phố cảng đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm phê duyệt các công việc liên quan đến đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn.
Thành phố Đà Nẵng: Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý tạo ra nguồn thu thúc đẩy phát triển KT-XH
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu một số đề xuất, đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các đơn vị tham mưu nhanh chóng triển khai hướng dẫn về chính quyền đô thị và chính sách đặc thù cho TP.Đà Nẵng.
Lãnh đạo Đà Nẵng và Bộ GTVT đã họp và thống nhất trình Chính phủ về triển khai một số công trình dự án trọng điểm mang tính chất liên vùng rất cấp thiết và có tên trong danh mục công trình dự án trọng điểm theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Trong đó có xây dựng cảng liên chiều, di dời ga đường sắt; nâng cấp sân bay Đà Nẵng trong đó mở rộng nhà ga T1 về phía Nam, xây dựng ga hàng hoá và xây dựng nhà ga T3 đáp ứng nhu cầu; nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B kết nối Đà Nẵng với tây Quảng Nam.
Đồng thời TP. Đà Nẵng đề nghị Chính phủ và cơ quan trung ương quan tâm xem xét cụ thể và có chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý với rất nhiều dự án trước đây của TP liên quan đến kết luận của TTCP. “Nếu thủ tục không được tháo gỡ, không giải quyết thì là điểm nghẽn triển khai các dự án lớn, tạo ra nguồn thu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước
Cũng tại hội nghị trực tuyến Chính phủ và địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đến nay ngân sách đã chỉ khoảng 15.900 tỷ đồng để phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch. Trong đó, 4.100 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống dịch; khoảng 11.300 tỷ đồng chi cho 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 về giảm, giãn thời gian nộp thuế.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị sáng 2/7 |
Ngoài ra, ngân sách Trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả heo châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...). Kho dự trữ quốc gia đã xuất cấp 13.600 tấn gạo dự trữ hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Mặc dù vậy, thu ngân sách 6 tháng đầu năm gặp khó khăn, suy giảm ở cả 3 lĩnh vực kinh tế chủ yếu. Nửa đầu năm, thu ngân sách chỉ đạt 44,22% dự toán, tương đương hơn 668.000 tỷ đồng. Số thu này giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019 và thấp nhất từ năm 2013. "Điều này phản ánh thực chất thực trạng nền kinh tế đang khó khăn", ông Dũng nói.
Nửa cuối năm 2020, ông Dũng nói, thu ngân sách sẽ còn khó khăn hơn do tác động tiêu cực của đại dịch. Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thuế, phí để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế và xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
Về chi ngân sách, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, gồm kế hoạch năm 2019 chuyển sang; cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước tại các cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm 10% chi thường xuyên còn lại năm 2020.
Ông Dũng đề nghị chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương; sử dụng nguồn lực tại chỗ để chi cho phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên thai, an sinh xã hội.
Nếu sau khi sử dụng tất cả giải pháp và nguồn lực trên mà cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Bộ này sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thống nhất chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, ngân sách năm 2020 để "phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội".
Tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế.
Trước hết các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan; xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn kết với quyết tâm cao hơn, phối hợp chặt chẽ hơn triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn nhanh, mạnh, hiệu quả gắn với xu hướng thay đổi trong trung và dài hạn.
Tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội để tạo động lực mới cho phát triển, nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế sau khi kiểm soát thành công dịch COVID. Phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực.
Đồng thời mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.