Tiêu dùng bền vững

Xã hội - Ngày đăng : 12:57, 02/07/2020

(TN&MT) - Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu mà Chương trình đưa ra khá cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững…

Đó là những điều tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới.

Tuy nhiên, ở thì hiện tại, vẫn thấy đâu đây quanh chúng ta còn không ít điều cần phải suy ngẫm.

Bắt đầu từ ngay những bữa ăn hàng ngày. Mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân hiện hữu ngay trên bàn ăn bởi mối lo về an toàn thực phẩm.

Ảnh minh họa

Nếu dạo một vòng thị trường, dễ thấy, nguồn cung cho người dân khá phong phú. Nhưng đảm bảo rằng có an toàn với sức khỏe không thì khó có thể khẳng định chắc chắn!(?) Bởi lẽ, những bó rau nõn nà, những trái táo căng mọng… thật bắt mắt, nhưng hãy coi chừng, trong đó, còn ẩn chứa quá nhiều dư chất độc hại có thể tàn phá lục phủ ngũ tạng con người.

Thế nên, để chống chọi với sự bành trướng của thực phẩm bẩn, người dân tìm mọi cách để có thực phẩm sạch, tự cung cấp cho mình. Nếu ở nông thôn, người dân có thể tự cung về thực phẩm, thì ở đô thị, bây giờ, tại nhiều gia đình, người dân “phải” tự chuẩn bị cho mình những “vườn rau nho nhỏ” trên sân thượng, mảnh đất sót lại ven nhà, ven đê.

Niềm tin vào nguồn cung từ thị trường là vô cùng thấp. Dù thế, số đông người dân, đặc biệt, là ở đô thị, vẫn phải tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc từ khắp các ngõ ngách của đô thị.

Ngay cả những loại “rau sạch, quả sạch” một thời được ca ngợi như là giải pháp cho an toàn và sức khỏe, sau một thời gian ngắn, lối tư duy ăn xổi ở thì, chụp giật, liều lĩnh, vô trách nhiệm đã thấm đẫm vào từng luống rau, cây ăn quả.

Tôi đã chứng kiến những “qui trình sản xuất sạch” giả tạo trên những trang trại trồng rau, nuôi lợn. Để rồi những sản phẩm có hình thức “an toàn và sạch” nhưng bản chất thì bẩn và nguy hiểm chẳng kém gì những loại rau bẩn, quả bẩn trước đó được lưu hành. Tất cả các quy định, tiêu chuẩn, quy trình đưa xuống các vùng sản xuất này khi người giám sát ngoảnh mặt đi đã lập tức bị người thực hiện bỏ qua, bất chấp hậu quả mà các “thượng đế” phải hứng chịu. Rồi đến các loại gia súc gia cầm đang được ùn ùn đẩy từ mọi miền quê về các đô thị cũng khiến cho mọi người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng… không thể thông minh được.

Chính phủ đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Đó là những mục tiêu lớn chúng ta đang hướng đến. Nhưng để những điều này thành hiện thực, cần một sự đồng lòng, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thay đổi nhận thức và hành động đến từng người dân.

Bởi lẽ, nếu không thay đổi từ nhận thức, trong mỗi hành động thì cuộc sống của chính các cư dân sẽ khó có thể thay đổi.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ giúp đất nước phát triển bền vững. Dân khỏe thì nước mới mạnh. Một đất nước mà tỷ lệ người bị mắc bệnh nan y gia tăng cũng phản ánh chất lượng sống ở những khu vực đó như thế nào!

Chất lượng cuộc sống của người dân không phải chỉ đo bằng sự sung túc với những bữa ăn chất ngất, với dòng xe xa hoa hay những tòa nhà chọc trời; mà phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, với chất lượng từng lít nước, mớ rau, cân thịt mỗi ngày.

Ngọc Lý