Dùng chung hạ tầng viễn thông bảo đảm mỹ quan đô thị

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 12:53, 02/07/2020

(TN&MT) - Dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm cảnh quan đô thị và sự an toàn cho người dân. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã và đang đi đầu trong xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật và dùng chung cột ăng ten thu phát sóng (BTS).

Vì một đô thị văn minh và an toàn

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực trạng các hệ thống BTS, cột điện, cột chiếu sáng, cột biển báo giao thông... cùng tồn tại và kèm hệ thống dây chằng chịt vừa làm xấu cảnh quan đô thị vừa có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11/11/2019 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Trạm BTS thân thiện môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng, Ảnh: Vinaphone

Việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông được Hà Nội tiên phong trong cả nước triển khai từ trước năm 2010. Thành phố đã xây dựng đề án và yêu cầu các nhà mạng dùng chung hạ tầng trạm thu phát sóng (BTS) tại 10 vị trí ở quận Hoàn Kiếm. Sau thành công của đề án này, thành phố đã nhân rộng mô hình dùng chung hạ tầng BTS; cùng với đó, thành phố và một số quận nội thành đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật bằng vốn ngân sách.

Kể từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã ký "Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020", theo đó việc dùng chung công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật là bắt buộc.

Giảm chi phí, đẹp cảnh quan

Đầu tháng 6/2020, cả 4 nhà mạng: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, MobiFone và Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel) đã ký thỏa thuận dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động tại hơn 1.300 vị trí trong các năm 2020 và 2021. Như vậy, mô hình dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông tiếp tục được các doanh nghiệp viễn thông chủ động triển khai, nhân rộng.

Nếu cùng sử dụng chung vị trí nhà trạm và BTS, các nhà mạng sẽ tiết kiệm 1/3 chi phí so với đầu tư mới. Đặc biệt là khi sắp tới, các nhà mạng sẽ triển khai mạng 5G thì việc dùng chung hạ tầng viễn thông rất quan trọng vì ước tính xây dựng hạ tầng mạng 5G tốn gấp 3 lần so với mạng 3G, 4G. Việc chia sẻ và dùng chung hạ tầng mạng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông và xã hội, từ đó mở ra tiềm năng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tính đến tháng 6/2020, theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đến nay đã có 150/255 tuyến phố hoàn thành hạ ngầm, dùng chung hạ tầng kỹ thuật; các tuyến phố còn lại đang tiếp tục triển khai trong năm nay. Ngoài ra, còn có 173 công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố. Tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng trên địa bàn thành phố đã đạt 30%.

Việc ký thỏa thuận chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng giữa các nhà mạng không chỉ nhằm khẳng định sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc triển khai Chỉ thị số 52/CT-BTTTT, mà còn góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và cho chính nhà mạng, cũng như bảo đảm mỹ quan đô thị cho Thủ đô Hà Nội.

Bài và ảnh: Vân Anh