Quyền khai thác khoáng sản có được thế chấp không?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:46, 02/07/2020

(TN&MT) - Hiện, các quyền tài sản, trong đó có quyền khai thác khoáng sản ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của một doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng nguồn tài sản này vào việc thế chấp, bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng.

Đối với quyền khai thác khoáng sản, Khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 quy định, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các quyền sau đây: Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác; Tiến hành khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, còn có các quyền được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác, nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện; Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật.

Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản

Quyền đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt; Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật khoáng sản năm 2010 có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản nhưng không có quy định về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản mà chỉ quy định chung “quyền khác theo quy định của pháp luật” (điểm i khoản 1 Điều 55).

Trong các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật nói trên cũng không có bất cứ quy định nào về giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền tài sản.

Thực tế thi hành Luật trong những năm qua cho thấy, nhu cầu thế chấp quyền tài sản để bảo đảm cho các quan hệ tín dụng là có, nhưng hầu như không thực hiện được, vì các quy định về thế chấp quyền tài sản còn thiếu, nên hầu hết các tổ chức tín dụng đều e ngại khi nhận thế chấp loại tài sản này.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị của loại tài sản này cũng là một vấn đề không đơn giản. Chỉ riêng quyền sử dụng đất có giá quy định của Nhà nước hoặc giá thị trường, còn các quyền tài sản khác như quyền khai thác khoáng sản chẳng hạn, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít khó khăn khi xác định giá trị đối với loại tài sản này.
Về phía các tổ chức hành nghề công chứng, do không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thế chấp quyền tài sản, nên các công chứng viên cũng rất lúng túng khi tiếp nhận và thực hiện yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản, nhất là yêu cầu đối với giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp.

Thực tế trên đòi hỏi phải có một nguyên tắc cơ bản về giao dịch đảm bảo nói chung và giao dịch đảm bảo đối với từng loại tài sản đặc thù như quyền khai thác khoáng sản nói riêng.

Phạm Oanh