Mô hình chống hạn hiệu quả của nông dân Quảng Nam

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:37, 01/07/2020

(TN&MT) - Chuyển đổi cây trồng để thích ứng với khô hạn, tiết kiệm được nguồn nước tưới và hạn chế tình trạng bỏ hoang đất lúa là bài toán mà các tỉnh ở khu vực miền Trung đang phải tính đến. Ở Quảng Nam những mô hình chống hạn đang mang lại những hiệu quả bước đầu chắc chắn và bền vững.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, năm nay tỉnh chuyển đổi 810 héc ta diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cạn và có khoảng 18.000 héc ta phải thực hiện các biện pháp chống hạn do thiếu nước và xâm nhập mặn. Việc chuyển đổi này nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác, phát triển sản xuất bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Năm nay tỉnh Quảng Nam chuyển đổi 810 héc ta diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cạn

Ngay từ đầu vụ Hè Thu năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ với các giải pháp phi công trình và công trình, đối với các hồ chứa có khả năng cao thiếu nước thì thực hiện chuyển đổi sang sản xuất cây trồng cạn hoặc không sản xuất; thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới “Ướt khô xen kẽ”, tưới luân phiên giữa các kênh, các cống. 

Giữa cánh đồng khô hạn, ông Nguyễn Quang Tâm, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên là một trong số ít những nông dân mạnh dạn chuyển đổi thành công từ 6 héc ta đất bị bỏ hoang sang trồng dâu ngay giữa cao điểm hạn, mặn. Cứ cách 50 mét ông lại cho đóng một giếng khoan, 15 ngày tưới cho dâu một lần. Bằng cách làm này, ông Tâm có đủ nước giữ ẩm cho dâu đến khi thu hoạch. Ông Nguyễn Quang Tâm cho biết, cây dâu có sức chống chịu hạn rất tốt, tỷ lệ sống đạt 95%, hơn nữa giá trị kinh tế cao gấp 3 lần các loại cây trồng khác.

“Cây dâu chỉ cần giữ ẩm cho nó, do đó, trong thời tiết nắng hạn như hiện nay, tỷ lệ sống vẫn rất cao. Nắng nóng khắc nghiệt như đợt này thì 15 ngày tôi mới tưới một lần. Bình thường như những mùa khác thì 20 ngày thậm chí cả tháng mới tưới. Dâu này hái lá được rồi, kế hoạch tháng 7 này tôi đưa tằm vào nuôi.”- ông Tâm cho biết.

Mô hình trồng cây dâu trên đất khô thành công ngay giữa cao điểm hạn, mặn

Còn tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nhiều nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Vốn là vựa rau sạch lớn của tỉnh, nhưng những tháng hạn mặn, thiếu nước sản xuất người dân không trồng được các loại rau củ, quả,… đã chủ động chuyển sang trồng ngô, đậu bắp. Theo người dân, đậu bắp là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thích ứng tốt với nắng hạn.

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Giám đốc Hợp tác rau sạch Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ hè thu, chủ yếu người dân trồng những loại cây này do ít sử dụng nước, chịu được độ mặn, nên phù hợp những tháng mùa khô, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong những giải pháp thích ứng với tình hình hạn mặn như hiện nay tại địa phương.

“Năm nay tình hình thời tiết khắc nghiệt, hạn hán xảy ra sớm, đầu năm đã xảy ra rồi. Căn cứ vào tình hình đó, Hợp tác xã cũng chuyển đổi một số diện tích sang cây trồng cạn. Nói chung từ khi chuyển đổi qua, giá của những loại sản phẩm đó nhìn chung cũng được, tương đối, nông dân vẫn đủ đảm bảo nguồn thu nhập”- ông Nguyễn Quang Phương nói.

Nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây màu ngắn ngày, có khả năng chịu hạn đã mang lại hiệu quả gấp đôi cây lúa 

Theo ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, năm nay từ đầu vụ Đông Xuân đã xuất hiện tình trạng khô hạn, nhiễm mặn và kéo dài đến nay nên việc sản xuất hết sức khó khăn về nguồn nước tưới. Các hồ đập Khe Cát, Cây Sơn đều ở dưới mực nước chết. Độ mặn đo được tại khu vực từ cầu Câu Lâu cũ ngược lên cầu Gò Nổi luôn ở mức 7 phần nghìn, còn tại bể hút của trạm bơm điện 19.5 là 20 phần nghìn, trong khi đó lượng nước từ hồ chứa Phú Ninh đưa nước ra rất yếu. Địa phương khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển đổi cây màu vào mùa khô, thích ứng với biến đổi khí hậu:

“Gần đây huyện chuyển đổi cây trồng cũng nhiều, tiết kiệm được nguồn nước tưới, ví dụ như chuyển qua cây đậu phụng, cây bắp và một số loại cây trồng khác. Trong giải pháp phi công trình, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã chủ trương ngay từ đầu vụ là sử dụng điện thuỷ lợi đất màu tưới bằng giếng đóng sẽ tiết kiệm được nước.”- ông Tường cho hay.

 

Lan Anh