Bàn giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông Krông Nô

Thời sự - Ngày đăng : 16:25, 30/06/2020

(TN&MT) - Trước tình trạng đất dọc hai bên bờ sông Krông Nô đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk ngày một bị sạt lở nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều năm. Sáng 30/6 UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội thảo để thảo luận các giải pháp khoa học phòng chống sạt lở bờ sông và đưa ra các giải pháp phối hợp giữa hai tỉnh.

Tham dự Hội thảo về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản. Về phía địa phương có ông Trương Thanh Tùng -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Y Giang Gry Nie Knơng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cùng đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, lãnh đạo các huyện thuộc hai tỉnh. 

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hơn 187 hecta đất sản xuất bị sạt lở

Sông Krông Nô bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin, độ cao trên 2.000m chảy về phía Tây qua các thung lũng rồi chuyển sang hướng Bắc hợp lưu với sông Krông Ana, dòng sông dài 189km đi qua ranh giới 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Nô(Đắk Nông) có 53,3km đi qua 6 xã.

Trước năm 2010, dòng sông thường gây lũ lụt vào mùa mưa cho các xã dọc sông, tình trạng sạt lở đất dọc sông đã có diễn ra nhưng với quy mô nhỏ. Trước năm 2010, dòng sông thường gây lũ lụt vào mùa mưa cho các xã dọc sông, tình trạng sạt lở đất dọc sông đã có diễn ra nhưng với quy mô nhỏ. 

Tuy nhiên, tính từ năm 2011 đến nay tình trạng sạt lở diễn biến hết sức nghiêm trọng gần như trở thành “vấn nạn” trong nhiều năm qua. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, đất bị sạt lở ngày một lớn nhất là ở các xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Buôn Choah ảnh hưởng rất lớn đến quá trinh canh tác nông nghiệp của người dân. Theo số liệu báo cáo của sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm này có hơn 187 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị sạt lở.  

Nhiều diện tích đất nông nghiệp hai bên bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng

“Vân nạn” sạt lở đất bờ sông Krông Nô đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể, vụ sạt lở làm mất 30m đường khu vực cánh đồng Đắk Rền vào thời điểm cuối năm 2017, đã làm ảnh hưởng không có đường đi lại cho các hộ dân sản xuất, canh tác trên 200ha đang trong thời vụ chính sản xuất Đông xuân 2017-2018. 

Hiện tại các khu vực sạt lở thuộc xã Nâm N’Đir, được địa phương đầu tư xây dựng kè chống sạt lở với tổng chiều dài bờ kè là 1.107 m dọc sông tại các khu vực xung yếu trên địa bàn xã Nâm N’Đir (02 đoạn) nhằm đảm bảo cho việc đi lại sản xuất cho người dân. 

Ngoài ra, sạt lở bờ sông còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành các công trình thuỷ lợi. Hiện tại, dọc sông Krông Nô hiện nay có 4 hệ thống trạm bơm, với 12 trạm bơm có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 3.206 ha lúa nước, rau màu và cây công nghiệp. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

“sạt lở” do khai thác cát ?

Trao đổi về một số nguyên nhân của tình hình sạt lở bờ sông Krông Nô, PGS. TSKH. Bùi Tá Long (ĐH Bách Khoa TP. HCM), cho biết quá trình nghiên cứu nguyên nhân, giải pháp khắc phục việc sạt lở tại sông Krông Nô, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều kịch bản và đều đi đến một kết luận mang tính chất khoa học là việc khai thác cát quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông.

“Việc sạt lở bờ sông chúng ta cần phải nhắc là cả hai bờ.  Trong báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, số liệu sạt lở của Đắk Nông hàng trăm hecta (hơn 180ha – số liệu sở NN&PTNT Đắk Nông) nhưng theo khảo sát và số liệu chúng tôi có được, bờ phải phía tỉnh Đắk Lắk, tình trạng sạt lở còn nghiêm trọng hơn. 

PGS. TSKH. Bùi Tá Long phân tích nguyên nhân sạt lở tại buổi Hội thảo

Đến nay nhóm nghiên cứu lưu ý 3 điểm phía bờ Đắk Nông nguy cơ sạt lở nặng với chiều dài sạt lở nặng nhất là 150m, trong khi ở Đắk Lắk điểm sạt lở nặng chỉ dài 121m nhưng có tới 6 điểm nguy cơ. Và chúng tôi một lần nữa khẳng định, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở nhưng tác nhân chính là do nạn khai thác cát quá mức trên dòng sông này”, ông Long khẳng định. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đắng Ánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô xác nhận, tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sạt lở bồ sông.

Trong những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo nghiêm việc tăng cường xử lý các tàu khai thác cát trái phép cũng như các doanh nghiệp không chấp hành quy định. Ngoài ra, ông Ánh cũng nêu lên việc cấp phép quá nhiều trên cùng đoạn sông cũng dẫn đến việc khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm. 

Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đưa ra một số giải pháp chống sạt lở trong thời gian tới

Cần đẩy mạnh quy chế phối hợp 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) đánh giá cao việc đề xuất và thực hiện Hội thảo của UBND tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, ông Thanh mong muốn trong thời gian tới tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cần thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, ông Lại Hồng Thanh yêu cầu các ngành, địa phương của hai tỉnh phải bám sát, thực hiện đúng, đầy đủ theo Nghị định 23 của Chính phủ về công tác quản lý cát sỏi lòng sông được ban hành ngày 24/2/2020. 

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trong mấy năm qua tỉnh đã xử lý hàng trăm vụ khai thác cát trái phép, rút giấy phép nhiều doanh nghiệp thực hiện không đúng theo cấp phép. Tỉnh cũng cắm biển cấm khai thác tại 19 điểm xung yếu để tránh sạt lở thêm và cấm khai thác những khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở.

“Công ty thủy điện Buôn Kuốp cũng phối hợp chính quyền địa phương đền bù, thu hồi đất người dân ven bờ đề tạo hành lang. Bên cạnh đó, công ty này cũng hỗ trợ nhiều tỉ đồng để làm kè đá, rọ đã ngăn sạt lở thêm ở những điểm xung yếu…” ông Tùng nói thêm.

TS Ngô Thị Bích Đào - CEO Công ty tư vấn LAPAT quốc tế đưa giải pháp chống sạt lở

Đưa ra một số giải pháp chống tình trạng sạt lở, TS Ngô Thị Bích Đào – CEO Công ty tư vấn LAPAT quốc tế đưa giải pháp chống sạt lở của bà Đào là xây dựng các kè mềm sinh thái dọc hai bờ sông. Theo đó, ở lớp ngoài cùng so với lòng sông sẽ có lớp cọc tre chắn, bên dưới có lớp bạt để đổ cát, đất lên để trồng các cây bần, đước… lớp thứ 2 sẽ tạo bờ vai bằng nhưng ô vuông rồi trồng cây, cỏ phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để giữ bờ.

Bên trong cùng sẽ có một lớp rừng phòng hộ bằng phi lao, bạch đàn để bảo vệ bờ sông, trong diện tích rừng phòng hộ này, người dân vẫn có thể canh tác một số cây ngắn ngày và một số loại cây trồng khác vừa chống sạt lở vừa thu được lợi nhuận kinh tế.

Phạm Hoài