Triển vọng từ thị trường các bon tại Việt Nam: Từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:57, 30/06/2020

(TN&MT) - Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ TN&MT đã trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó, có một Điều quy định khá chi tiết về “Định giá các bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các bon trong nước”. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc hình thành thị trường các bon tại Việt Nam.

Bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá các bon còn góp phần huy động các khoản đầu tư xanh; thúc đẩy quốc gia, ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng phát thải thấp cũng như khuyến khích tiêu dùng thân thiện môi trường.

Thế giới đã có, Việt Nam mới “chập chững”

Nghị định thư Kyoto về cắt giảm phát thải khí nhà kính năm 1997 đã tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của một thị trường cho một loại hàng hóa đặc biệt - thị trường các bon. Để xác định giá trị của lượng phát thải giảm được, các quốc gia đã định giá các bon thông qua các công cụ tài chính. Phổ biến nhất là thuế các bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các bon.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nguồn thu từ định giá các bon toàn cầu năm 2019 lên tới 45 tỷ USD. Tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát là 12 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 22% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu hiện nay. Đây được coi là một trong những phương thức chính để các quốc gia đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đang từng bước xây dựng thị trường các bon

Việt Nam có tiềm năng lớn về phát hành tín chỉ, nhưng do năng lực chính sách, kỹ thuật về xây dựng, thực hiện định giá các bon còn rất hạn chế nên dù sớm nhận thức được tầm quan trọng, Việt Nam chưa đủ điều kiện tham gia thị trường các bon thế giới.

Năm 2012, Việt Nam trở thành thành viên của “Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các bon” (PMR) và triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam” (VNPMR) từ năm 2015. Qua 5 năm, đến nay, Việt Nam đã có các bước chuẩn bị cơ bản để tiến tới hình thành và phát triển thị trường các bon trong nước, cũng như tham gia thị trường các bon thế giới.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), yếu tố quan trọng nhất là cơ chế, chính sách về định giá các bon và thị trường các bon ở Việt Nam đã dần cụ thể hóa. Từ một quy định chung trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng một Điều quy định khá chi tiết về “Định giá các bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các bon trong nước” trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 6 vừa qua. Bộ TN&MT cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc vận hành thị trường mua bán tín chỉ các bon tại Việt Nam.

Trước mắt, các Bộ TN&MT, Tài chính, KH&ĐT sẽ tiếp tục đề xuất và xây dựng một số chính sách, công cụ quản lý nhà nước liên quan đến thị trường các bon; Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương dự thảo các hướng dẫn áp dụng công cụ định giá các bon, công cụ thị trường trong hai lĩnh vực thí điểm là chất thải rắn và sản xuất thép.

Tăng cường năng lực mọi mặt

Cơ chế chính sách chưa hoàn thiện không có nghĩa là việc trao đổi tín chỉ chưa thể tiến hành tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, có khá nhiều chương trình, dự án theo cơ chế bù trừ các bon đang được thực hiện trong cả 5 lĩnh vực phát thải chính, gồm: năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, chất thải, sử dụng đất - thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng hơn 300 dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM), 17 dự án theo Tiêu chuẩn các bon tự nguyện (VCS) và 14 dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Dù chưa thực sự tạo ra nguồn lợi đáng kể cho doanh nghiệp, đơn vị tổ chức thực hiện nhưng đây được coi là “nguồn hàng” các bon ban đầu để Việt Nam có cơ sở khởi dựng thị trường.

Các nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án VNPMR cho thấy, việc định giá các bon đòi hỏi Việt Nam cần đầu tư thích đáng vào hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc huy động nguồn vốn đầu tư để tham gia thị trường các bon cần được thực hiện trên cơ sở nội lực của doanh nghiệp. Chính phủ đồng hành bằng các chính sách hỗ trợ và thực hiện theo lộ trình cụ thể. Sau khi Việt Nam lựa chọn công cụ định giá phù hợp, khối doanh nghiệp sẽ có một khoảng thời gian bắt nhịp với các yêu cầu về giảm phát thải trước khi quyết định tham gia thị trường.

Một vấn đề nữa đặt ra, Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực của các cá nhân và tổ chức để xây dựng phương pháp thẩm định và các đơn vị thực hiện kiểm toán. Sự thiếu vắng các đơn vị thẩm định trong nước sẽ cản trở việc triển khai công cụ định giá các bon, do làm tăng chi phí giao dịch và yêu cầu về thời gian.

Đến nay, đã có 96/185 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH, trong đó, có Việt Nam. Theo đó, các quốc gia cần áp dụng các cơ chế định giá các bon để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, để hình thành và phát triển thị trường các bon ở Việt Nam, từ nay đến năm 2025, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính, bộ tiêu chí xác định hạn mức phát thải và hệ thống MRV cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường khi áp dụng các công cụ định giá các bon phải được đánh giá, phân tích đầy đủ. Từ đó, lựa chọn công cụ tối ưu cho Việt Nam, làm cơ sở để tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách về định giá các bon phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệc là các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh doanh tín chỉ các bon như Nhật Bản, Canada. Đồng thời tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan.

Ý kiến chuyân gia:

Ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban Năng lượng của WB: Kỳ vọng giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính

Ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban Năng lượng của WB

Thị trường các bon và các công cụ định giá các bon được kỳ vọng sẽ giúp giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới. Việc áp dụng định giá các bon cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân chung tay vì mục tiêu các bon thấp của Việt Nam. Nguồn lợi thu được có thể sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cơ bản (nước, vệ sinh, điện...), hỗ trợ những người dễ bị tổn thương do BĐKH, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp, nghiên cứu và phát triển các công nghệ giảm phát thải…

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Bộ KH&ĐT): Nhiều công cụ định giá các bon phù hợp với nước ta

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Bộ KH&ĐT)

Một số công cụ định giá các bon phù hợp với điều kiện Việt Nam, bao gồm: Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) cho khu vực công nghiệp nặng, tiêu thụ nhiều năng lượng, phân bổ hạn ngạch miễn phí; Chương trình tín chỉ áp dụng cho các lĩnh vực không tham gia ETS và chứng chỉ xanh, tạo điều kiện để tham gia thị trường quốc tế theo Điều 6.4 Thỏa thuận Paris; Thuế các bon (hoặc điều chỉnh lại một số sắc thuế hiện tại phù hợp với các hoạt động phát thải khí nhà kính) áp dụng cho các lĩnh vực không tham gia ETS; Chương trình Chứng chỉ xanh cho lĩnh vực năng lượng.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Dự án khí sinh học bắt buộc phải thuê đơn vị quốc tế hỗ trợ kỹ thuật

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Để tiếp cận thị trường các bon quốc tế, dự án khí sinh học của ngành chăn nuôi bắt buộc phải thuê đơn vị quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời, làm môi giới trung gian bán tín chỉ. Tiêu chuẩn tín chỉ khá cao, ngay từ khâu thiết kế chương trình dự án đã thương mại hóa hoạt động giảm phát thải. Việc thiết kế các hoạt động phải được nghiên cứu sao cho đáp ứng về quy trình kiểm soát chất lượng, chiến lược đào tạo tập huấn các đối tượng chính. Để tạo tín chỉ, các địa phương, doanh nghiệp nên chủ động lồng ghép vào các hoạt động giảm phát thải phù hợp với từng cơ chế tín chỉ mà mình theo đuổi, có sự tham vấn từ các chuyên gia chuyên ngành hoặc học hỏi từ các chương trình thành công khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc dự án FCPC-2: Thúc đẩy dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng

Việc xây dựng thị trường các bon trong nước sẽ giúp tận dụng được tiềm năng phát hành tín chỉ lớn của Việt Nam, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phat thải lớn mua tín chỉ trong nước. Điều này cũng thúc đẩy các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc dự án FCPC-2

Đơn cử, các dự án phát triển rừng vừa có thể phát triển rừng, hạn chế được nạn phá rừng mà vẫn có lợi ích kinh tế từ bán tín chỉ các bon.

Khánh Ly