Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai nhiệm kỳ 2020 – 2025
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:47, 30/06/2020
Tham dự Đại hội còn có nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển; đồng chí Đỗ Thị Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Đảng Đoàn thể Bộ TN&MT; đại diện Đảng ủy, Chi ủy các Tổng cục, Cục, Vụ trực thuộc Bộ… cùng 115 Đảng viên thuộc Tổng cục Quản lý đất đai.
Đồng chí Lê Minh Ngân - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu chỉ đạo Đại hội |
Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai hiện có 13 tổ chức Đảng trực thuộc gồm 12 Chi bộ, 1 Đảng bộ bộ phận có 4 Chi bộ trực thuộc, với 203 Đảng viên. Trong đó, có 298 đảng viên chính thức, 11 đảng viên dự bị.
Hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Khuyến, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song được sự quan tâm của Ban cán sự Đảng bộ Bộ TN&MT, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục đã đoàn kết triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực thi hiệu quả và tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Bên cạnh đó, tập trung sự lãnh đạo để thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai; thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ II (2015 - 2020) của Đảng bộ Tổng cục; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trực thuộc…
Đồng chí Lê Thanh Khuyến, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu khai mạc Đại hội |
“Với tinh thần đổi mới, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ II (2015 - 2020) của Đảng bộ Tổng cục, trên cơ sở đó chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm và xác định rõ phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ tới để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho”, đồng chí Lê Thanh Khuyến nhấn mạnh.
Báo cáo tại Đại hội, ông Chu An Trường, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy Tổng cục đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đưa Tổng cục vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và phát triển ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội
|
Cụ thể, trong công tác xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực đất đai đã góp phần quan trọng tạo môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để ổn định xã hội và phát triển kinh tế đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật đất đai được ban hành trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các quan điểm, nội dung của Đảng nêu trong các Nghị quyết Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị, bám sát yêu cầu thực tiễn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch, thiết lập sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đất đai giữa các thành phần kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường.
Quang cảnh Đại hội |
Theo đó, Đảng ủy đã chỉ đạo tham mưu, phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật quan trọng trong công tác công tác quản lý Nhà nước về đất đai như: Kết luận số 36- KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 6/9/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; trình ban hành 15 Nghị định của Chính phủ, trong đó có 12 Nghị định ban hành mới và 3 Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định; 34 Thông tư của Bộ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai.
Đồng thời, trình Quốc hội và Chính phủ ban hành các Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực đất đai như: Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết số 17 ngày 18/9/2019 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 36- KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 6/9/2018; Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14.
Cũng theo ông Chu An Trường, các công tác như: tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai; cải cách hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; đo đạc, đăng ký, cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; công tác kinh tế, tài chính đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thống kê, kiểm kê đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý và sử dụng đất, công tác tổ chức, cán bộ; thi đua, khen thưởng; kế hoạch, tài chính; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế… đều đạt được những kết quả quan trọng.
Về công tác xây dựng Đảng, trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác giáo dục chính trị được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả đã động viên đảng viên, công chức, viên chức và người lao động vững vàng tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; đã duy trì tập thể Đảng bộ và các Chi bộ đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng luôn được duy trì thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao ý thức rèn luyện và phấn đấu của mỗi đảng viên và cấp uy trong việc thực hiện điều lệ Đảng. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và quần chúng trong đơn vị hoạt động hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua trên các lĩnh vực công tác trọng tâm của đơn vị.
Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai
Ghi nhận và chúc mừng các kết quả đã đạt được của Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Lê Minh Ngân - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai đã phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nỗ lực, tập trung trí tuệ lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Tổng cục thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các mặt quản lý nhà nước về đất đai cũng như xây dựng đảng.
Thứ trưởng cho rằng, Tổng cục đã tích cực tham mưu cho Bộ trong hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tạo hành lang pháp lý khá đồng bộ cho quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai. Hệ thống quy hoạch được lập đồng bộ ở 3 cấp quốc gia, tỉnh, huyện và quy hoạch đất quốc phòng, đất an ninh tạo cơ sở để quản lý, sử dụng tài nguyên đất hợp lý, hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước tiến rõ rệt trong đổi mới phương thức, lề lối làm việc, giáo dục chính trị tư tưởng; các tổ chức đảng trực thuộc đã giữ vững, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở đơn vị; các đảng viên phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đơn vị. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào việc giữ vững khối đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ...
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số bất cập, tồn tại trong công tác như: công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm được đổi mới, chưa đồng bộ, tích hợp được với các quy hoạch có sử dụng đất; hiệu quả sử dụng đất nhất là đất nông nghiệp còn thấp; đất của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp còn sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, ở một số công ty có tình trạng buông lỏng quản lý đất đai; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…
Trước những bất cập, tồn tại trên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, Đảng ủy Tổng cục cần tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về đất đai thông qua việc tiến hành tổng kết, đánh giá, kỹ lưỡng, bài bản, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về chính sách đất đai; tổng kết, đánh giá sâu rộng và toàn diện Luật đất đai năm 2013 để làm cơ sở cho việc hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách pháp luật về đất đai…
Hai là, chú trọng việc tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các điểm nóng, các vấn đề bức xúc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm. Thanh tra, kiểm tra phải đi liền với xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và người đứng đầu tổ chức để xảy ra sai phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Ba là, đất đai có liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội nhưng là nguồn tài nguyên hạn chế, có nhiều nguy sơ suy giảm về chất lượng, số lượng trước tác động của biến đổi khí hậu, quá trình sử dụng thiếu bền vững. Trong khi áp lực phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng dân số đòi hỏi phải cùng lúc đảm bảo nhu cầu đất cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội, quỹ nhà ở, yêu cầu về lương thực, bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Do đó, việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả cao; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là thách thức đặt ra trong mỗi giai đoạn phát triển.
|
Để giải quyết vấn đề trên cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính đồng bộ, tính liên kết, kết nối vùng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và phân tích, dự báo chiến lược để xác định nhu cầu đất cho các ngành, các lĩnh vực.. cũng như tác động của vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đến sử dụng đất; khuyến khích nâng cao suất đầu tư vào đất, thu hút các dự án công nghệ cao vào các đô thị lớn; chuyển dịch các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động về khu vực nông thôn; phát triển các công trình ngầm; quy hoạch sử dụng hợp lý không gian.
Năm là, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến; hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Tập trung xây dựng và hoàn thiện sớm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu. Thiết lập hệ thống, theo dõi đánh giá nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Quản lý đất đai đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn, vị trí việc làm; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành.
Sáu là, cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng. Công tác xây dựng Đảng phải thực sự là then chốt và được thực hiện đồng bộ, có chất lượng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình; làm tốt công tác cán bộ, coi trọng việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, bảo đảm công khai, dân chủ, công tâm, khách quan...
Thứ trưởng Lê Minh Ngân chúc mừng Ban chấp hành Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra 15 đồng chí trong Ban chấp hành khóa mới và các đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ TN&MT lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đại biểu cũng thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Quản lý đất đai nhiệm kỳ 2020 – 2025.