Cao Bằng: Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:40, 30/06/2020
Dịch tả lợn châu Phi lại tái phát tại một số địa phương trong tỉnh Cao Bằng gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến việc tái đàn lợn, khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. |
Gia đình anh Hoàng Trọng Huân, xóm Đồng Biên, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) là một trong những hộ đầu tiên có lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi tại xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng). Anh Hoàng Trọng Huân chia sẻ, ngày 13/6, đàn lợn nhà tôi có biểu hiện ốm, bỏ ăn, nổi từng hạt đỏ trên thân… Sau khi phát hiện lợn bị bệnh, gia đình đã báo ngay với chính quyền địa phương để xuống lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm. Đến ngày 15/6, chính quyền địa phương đã đến tiến hành tiêu hủy 19 con lợn bệnh của gia đình, với tổng trọng lượng gần 1 tấn.
Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng), các cấp chính quyền huyện đã huy động lực lượng thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở để người dân nắm được diến biến tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi.
Tại thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) có hơn 140 con lợn mắc bệnh, với tổng trọng lượng hơn 5 tấn lợn hơi, của các hộ chăn nuôi tại 13 xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Cao Bằng tái phát dịch tả lợn châu Phi. Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tái phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Cao Bằng, ông Tống Kim Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) nói, do trên địa bàn chưa có trung tâm cung cấp giống lợn đảm bảo chất lượng, nên một số hộ chăn nuôi mua lợn giống không rõ nguồn gốc dẫn đến mang theo mầm bệnh của dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn hơi, sản phẩm từ lợn được vận chuyển vào địa bàn khó kiểm soát nên mang theo mầm bệnh. Trên địa bàn thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đã công bố dịch tại 2/5 xã, phường tái phát dịch tả lợn châu Phi, các địa bàn còn lại đang kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng, dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ ngày 24/4/2020, tính đến ngày 24/6/2020 đã có 138 hộ chăn nuôi, ở 60 thôn, xóm thuộc 9 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy 600 con, tổng trọng lượng trên 25 tấn. Các ổ dịch rải rác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt, dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan rộng, chưa được khống chế.
Đánh giá về một số nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh tái phát, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cho biết, con giống đưa vào tái đàn tại các địa phương được người chăn nuôi mua từ các chợ, thương lái thu gom, không rõ nguồn gốc về nuôi được khoảng 7 - 15 ngày thì phát bệnh; do các ổ dịch cũ tái phát, dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; do giá lợn hơi trên thị trường tăng cao nên khi lợn ốm, mắc bệnh người chăn nuôi giấu dịch, không báo đến cơ quan chuyên môn mà đem bán, giết mổ lợn để tiêu thụ; không xử lý chất thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh hoặc có trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh…
Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan trong thời gian tới là rất cao, tỉnh Cao Bằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các hộ chăn nuôi hiểu và nắm rõ được mức độ nguy hiểm, sự lây lan nhanh chóng của dịch tả lợn châu Phi; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khuyến khích chăn nuôi lợn trang trại tập trung, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với các xã có dịch phải khoanh vùng triệt để, tạm dừng việc tái đàn lợn, tạm dừng việc giết mổ, tiêu thụ lợn thịt, mổ lợn trong thời gian có dịch. Chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.