Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Môi trường - Ngày đăng : 11:54, 29/06/2020
Hoàn thiện các chính sách, các công cụ hướng dẫn kỹ thuật
Một nền kinh tế tăng trưởng nóng sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái, gây bất ổn xã hội, lãng phí tài nguyên và môi trường bị tàn phá. Ngược lại, một nền kinh tế dựa trên sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ góp phần phát triển kinh tế hiệu quả; bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, để phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, Việt Nam trước hết cần có hệ thống chính sách, công cụ hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nhà sản xuất phải xây dựng kế hoạch tái chế, xử lý chất thải trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Phạm Oanh |
Trong đó, cần xây dựng các quy định về mua sắm công và mở rộng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; xây dựng và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn về nhãn sinh thái gồm nhãn xanh, nhãn năng lượng, nhãn các bon, nhãn tái chế và các nhãn sinh thái khác; các quy định, hướng dẫn về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; chuẩn hóa các tiêu chuẩn ghép nối cho sản phẩm, dịch vụ nhằm tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và giảm thiểu chất thải trong sản xuất và tiêu dùng.
Ngoài ra, cần xây dựng và triển khai các công cụ chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải; các chính sách thúc đẩy đầu tư, sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường; các chính sách phát triển các lĩnh vực thương mại quốc tế và phát triển bền vững phù hợp với các lộ trình hội nhập và cam kết quốc tế, thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Bộ TN&MT hoàn thiện khung pháp lý trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Khung pháp lý trách nhiệm mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất.
Ngay trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Khung pháp lý trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được hình thành thông qua các quy định mới về trách nhiệm tái chế chất; xử lý chất thải của nhà sản xuất; Phân loại và thu phí dựa trên khối lượng chất thải; quy định về đặt cọc-hoàn trả.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định rất rõ về trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Trong đó, dự thảo quy định rõ về các sản phẩm nhà sản xuất buộc phải tái chế, xử lý như: Pin và Ắc quy; Thiết bị điện, điện tử; Săm lốp; Dầu nhớt; và một số loại bao bì.
“Theo quy định mới, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải xây dựng kế hoạch tái chế sản phẩm trước khi đưa sản phẩm đó ra thị trường tiêu thụ. Còn với vai trò là nhà quản lý, Bộ TN&MT sẽ đưa ra các quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc; Mức đóng góp tài chính và Quy chuẩn tái chế”, ông Phan Tuấn Hùng, chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với cả vòng đời của sản phẩm, buộc phải có trách nhiệm xử lý chất thải bằng phương thức nhà sản xuất đóng góp tài chính để xử lý chất thải. Tài chính được đóng góp bởi các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ chính quyền địa phương thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt (minh bạch, công khai).
Trong trường hợp, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải thì bị xử phạt hành chính và nộp phạt cho số tiền chậm nộp (30% số tiền chậm nộp).
Ngoài ra, Bộ TN&MT đang tiếp tục sửa đổi các quy định và tiêu chuẩn nhập khẩu phế liệu và chất thải làm nguyên liệu sản xuất theo luật pháp Việt Nam và quốc tế; Xây dựng và ban hành danh mục các sản phẩm dán nhãn xanh nhằm hoàn thiện chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.