Lạng Sơn đề xuất triển khai 4 dự án phòng chống thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:57, 27/06/2020
Quang cảnh buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn, mặc dù so với các địa phương trong khu vực, thiên tai trên địa bàn diễn ra không khốc liệt, nhưng để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Lạng Sơn đã luôn chủ động triển khai các nhiệm vụ PCTT. Trong đó, công tác phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" được triển khai đồng bộ để ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, loại hình thiên tai dễ xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, sớm ổn định lại tình hình đời sống, sản xuất của người dân. Năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ các huyện, thành phố hơn 3,4 tỷ đồng khắc phục thiên tai, chủ yếu là khắc phục nhà cửa bị sập, trường học, công trình nước sạch, thủy lợi bị hư hỏng…
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, dự báo còn hạn chế, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng được tình hình; một số hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp... Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng các phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, Lạng Sơn xác định tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức sâu sắc hơn về diễn biến các loại hình thiên tai, mức độ nguy hiểm, thiệt hại để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả là một trong những giải pháp chủ yếu.
Đoàn kiểm tra khảo sát thực địa tại bờ sông Kỳ Cùng, TP.Lạng Sơn. |
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Long Hải khẳng định tỉnh rất coi trọng công tác phòng chống thiên tai. Nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Trong quan điểm chỉ đạo của tỉnh Lạng Sơn đều nhất quán, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, do đó trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đều phải đảm bảo tiêu chí về môi trường và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Long Hải khẳng định tỉnh rất coi trọng công tác phòng chống thiên tai. |
Theo ông Hải, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra loại hình thiên tai khốc liệt, thiệt hại lớn về người và tài sản, song với đặc thù về địa hình, khí hậu miền núi, Lạng Sơn đã luôn chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Bên cạnh triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch ứng phó với một số loại hình thiên tai thường gặp, tỉnh Lạng Sơn còn chú trọng nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, nhất là đối với một số loại hình, hình thái thiên tai nguy hiểm. Đơn cử trong năm 2019, tỉnh đã tổ chức diễn tập ứng phó sự cố thiên tai hồ Cấm Sơn thuộc 2 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, do là tỉnh miền núi, biên giới điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương trợ cấp hàng năm trên 70% nên nguồn kinh phí dành cho khắc phục hậu quả thiên tai còn rất hạn chế. Để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, ổn định và đảm bảo về tài sản, tính mạng cho nhân dân, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Trung ương bổ sung vốn thực hiện các dự án: Kè bảo vệ sông Kỳ Cùng khu vực Tp.Lạng Sơn với nhu cầu vốn 150 tỷ đồng; Kè bảo vệ bờ sông Thương khu vực thị trấn Đồng Mỏ (100 tỷ đồng); Dự án di dân khẩn cấp phòng, chống lũ ống, lũ quyét, sạt lở tỉnh Lạng Sơn đối với 119 hộ dân tại Tp.Lạng Sơn và các huyện Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình (khoảng 12 tỷ đồng); Dự án sắp xếp dân cư khỏi vùng thiên tai và vùng khó khăn thuộc thôn Nà Kéo, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia. Quy mô dự án hỗ trợ di chuyển, làm nhà, sản xuất, lương thực cho 105 hộ, 447 nhân khẩu đến nơi ở mới với nhu cầu vốn 110 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đề nghị Lạng Sơn chú trọng công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai. |
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn chú trọng công tác cảnh báo, tuyên truyền phòng, chống thiên tai trong cộng đồng. Đồng thời thành lập lực lượng xung kích, trang bị sổ tay hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ xung kích trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiên tai ở cơ sở. Thứ trưởng cũng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xem xét, giải quyết.