Sơn La: Lên phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do ảnh hưởng biến động thời tiết

Môi trường - Ngày đăng : 20:51, 26/06/2020

(TN&MT) - Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do ảnh hưởng của các biến động thời tiết, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, Sở TN&MT Sơn La vừa yêu cầu 122 chủ cơ sở sản sản suất kinh doanh (khai thác khoáng sản, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy điện) và các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện nghiêm túc triển khai các nội dung về phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường.

Sở TN&MT Sơn La yêu cầu 122 chủ cơ sở sản sản suất kinh doanh (khai thác khoáng sản, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy điện…) nghiêm túc triển khai các nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (Ảnh: Hồ chứa nước thải của Cty CP Mía đường Sơn La)

Sở TN&MT Sơn La vừa ban hành Công văn số 1748/STNMT-QLMT, về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do ảnh hưởng của các biến động thời tiết.

Cụ thể, trong công tác phòng ngừa sự cố môi trường, chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc bãi lưu giữ chất thải của cơ sở để cải tạo, gia cố trước thời điểm mưa bão, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ gây sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão.

Với các cơ sở thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (thuộc Phụ lục IIa Mục I Phụ lục kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019) phải lập và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng theo hướng dẫn hoặc lồng ghép vào Phương án bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT; hoàn thành trước 30/6/2020.

Với chủ cơ sở kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải lập và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT; hoàn thành trước 30/6/2020.

Phải bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở mình và tiến hành bảo dưỡng định kỳ, bổ sung và thay thế các thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng để bảo đảm khả năng sử dụng tốt trong mọi tình huống; trong đó, cần quan tâm đến ứng phó với những tác động ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (trong và ngoài) cơ sở.

Ít nhất 2 năm/lần tổ chức diễn tập về các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở và trong khả năng ứng phó của cơ sở. Diễn tập ứng phó sự cố phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.

Công khai thông tin về rủi ro gây sự cố trong quá trình hoạt động tới cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất khác trong khu vực để phối hợp trong quá trình phòng ngừa và ứng phó sự cố. Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện và ứng phó các dấu hiệu sự cố môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Về ứng phó sự cố môi trường, trường hợp sự cố trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố theo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện và UBND cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố (thời gian, địa điểm, nguyên nhân xảy ra sự cố; mức độ, phạm vi ảnh hưởng, các thiệt hại do sự cố gây ra; các hoạt động ứng phó sự cố đã thực hiện; đánh giá khả năng ứng phó của cơ sở và các nội dung khác có liên quan).

Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến UBND cấp huyện hoặc cấp xã hoặc Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện để được tổ chức ứng phó; bàn giao quyền chỉ huy cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện và chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện trong toàn bộ quá trình thực hiện ứng phó sự cố.

Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở TN&MT đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện các nội dung trên của các chủ đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý. Chủ động kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện các nội dung trên các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc báo cáo cơ quan cấp trên nếu vượt thẩm quyền.

Nguyễn Nga