Gỡ “nút thắt” hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp: Nhận diện những điểm vướng

Đất đai - Ngày đăng : 14:24, 25/06/2020

(TN&MT) - Liên quan tới một số khó khăn của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thuộc Sở TN&MT, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hùng Phi, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát, quản lý và sử dụng đất (Tổng cục Quản lý đất đai).

PV: Xin ông cho biết những khó khăn vướng mắc của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp hiện nay?

Ông Trần Hùng Phi:

Văn phòng Đăng ký một cấp hiện nay vẫn hạn chế nhất định do chưa được giao đầy đủ chức năng nhiệm vụ vụ quyền lợi trong việc thực hiện dịch vụ công ảnh hưởng rất nhiều khiến thủ tục, làm khó khăn phức tạp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Trước tiên, về quy định pháp luật hiện nay: Pháp luật đã quy định việc cấp Giấy  chứng nhận không phải là mục tiêu phục vụ trong quản lý Nhà nước mà là phục vụ cho nhu cầu của người dân, để người dân thực hiện các quyền với tính chất như vậy Văn phòng đăng ký là dịch vụ công thì hoàn toàn có thể phân cấp thẩm quyền để cấp Giấy. Song hiện nay, Nhà nước vẫn chưa phân cấp thẩm quyền cấp giấy cho Văn phòng mà vẫn cho cơ quan quản lý Nhà nước (Sở TN&MT, UBND cấp huyện, cấp tỉnh) cấp.

Quy định này làm tăng số lượng cơ quan tham gia thực hiện thủ tục nên thủ tục còn phức tạp, kéo dài thời gian, tăng thêm nhiều chi phí thực hiện, chi phối và tạo áp lực công việc rất lớn cho cơ quan quản lý.

Tiếp đó, một số địa phương còn một số nhiệm vụ chưa giao cho Văn phòng thực hiện theo quy định, như: Việc lưu trữ hồ sơ địa chính tại Sở TN&MT do Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT quản lý hoặc tại cấp huyện do Văn phòng UBND huyện quản lý, làm cho hồ sơ đất đai bị quản lý phân tán, dễ thất lạc, không thống nhất, khó tra cứu, gây khó khăn, phức tạp cho việc khai thác sử dụng trong quá trình giải quyết thủ tục.

Đây cũng là nguyên nhân cơ bản của tình trạng không cập nhật chỉnh lý đầy đủ, thường xuyên vào hồ sơ địa chính hiện nay ở các địa phương.

Ngoài ra, cũng có địa phương không trang bị máy móc đo đạc và không giao nhiệm vụ cho Văn phòng thực hiện đo đạc địa chính (chỉnh lý bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính) trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, dẫn đến việc thực hiện thủ tục còn phức tạp, phiền hà, kéo dài thời gian (do người SDĐ phải liên hệ đơn vị đo đạc thực hiện); nhiều nơi còn đo thủ công làm cho chất lượng đo bị hạn chế và không chỉnh lý được bản đồ địa chính số;...

Cuối cùng, việc thực hiện cơ chế tài chính cho hoạt động của hệ thống Văn phòng ở  nhiều nơi chưa đúng quy định và còn bất cập, dẫn đến kinh phí cho hoạt động của hệ thống Văn phòng còn rất nhiều khó khăn, là một trong các nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến việc duy trì, tuyển dung thêm cán bộ chuyên môn theo cơ chế tự chủ của Văn phòng và không thể triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được giao.

Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 15/2015 của liên Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thì hệ thống Văn phòng thực hiện theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Kinh phí cho hoạt động của hệ thống bao gồm: Kinh phí do ngân sách địa phương bố trí (gồm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của văn phòng; kinh phí xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định) và nguồn thu phí, lệ phí được để lại và thu từ hoạt động dịch vụ của Văn phòng theo quy định của pháp luật;

Tuy vậy, do điều kiện ngân sách còn khó khăn nên nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí kinh phí rất hạn chế để đặt hàng Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ tổ chức đăng ký cấp đổi Giấy đồng loạt sau dồn điền đổi thửa, đo đạc lại bản đồ địa chính; xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu. Nhiều địa phương có bố trí kinh phí thực hiện một số việc nhưng không giao nhiệm vụ cho Văn phòng mà lựa chọn các đơn vị khác thực hiện nên Văn phòng không có nguồn thu từ các nhiệm vụ này.

Vì vậy, nhiều Văn phòng và các Chi nhánh chủ yếu sử dụng nguồn thu phí, lệ phí được để lại và thu từ hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật. Song nguồn thu này còn hạn chế, nhất là các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên do mức độ giao dịch về đất đai chưa nhiều; hơn nữa quy định thu phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính của Văn phòng còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế tự chủ như quy định thu phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy theo Thông tư số 250/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ áp dụng cho các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất nên còn rất nhiều loại thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy khác, Văn phòng cũng phải kiểm tra thẩm định hồ sơ (như thủ tục cấp GCN lần đầu, thủ tục thừa kế, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và các thủ tục đăng ký biến động đất đai khác) nhưng không được thu phí thẩm định hồ sơ; nhiều đối tượng còn được miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục theo quy định của HĐND tỉnh.

Ông Trần Hùng Phi

PV: Hiện nay, nhiều địa phương phản ánh có tình trạng thiếu phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm giữa Văn phòng Đăng ký và Phòng TN&MT, theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Ông Trần Hùng Phi:

Theo tôi, đây và vấn đề phối hợp giữa Văn phòng với Phòng TN&MT và vấn đề này đã được quy định tại Nghị định 43. Nghị định yêu cầu các địa phương xây dựng quy chế do UBND cấp tỉnh ban hành.

Tuy vậy, nhiều địa phương ban hành chưa cụ thể trình tự, thời gian, thẩm quyền, đặc biệt chưa phân định trách nhiệm của từng cơ quan chưa rõ ràng nên còn xảy ra thực trạng này.

Thực tế, ở nhiều địa phương hiện nay giải quyết thủ tục theo phương án một cửa nên quy định rất rõ các trình tự, thủ tục, thẩm quyền thì không xảy ra tình trạng này?

PV: Một số ý kiến cho rằng, cần gộp hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai về một đầu mối do một cơ quan TƯ thống nhất quản lý, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Hùng Phi:

Theo tôi về mặt lý thuyết hoàn toàn có có thể thực hiện được ở các điểm: Về tính chất công việc, đây đều là cơ quan thực hiện dịch vụ công để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì có thể được miễn là có quy chế đầy đủ.

Đặt giả thiết là đưa tất cả về quản lý ở cấp TƯ thì mô hình tổ chức sẽ phải như thế nào, có đặt chung một cơ quan quản lý thống nhất được không? Tôi cho rằng, không phải chỉ là gộp tất cả các cơ quan đăng ký này thành một, chủ yếu các hoạt động vẫn dựa vào các cơ quan đăng ký tại địa phương, kế thừa các cơ quan có chăng là sắp xếp lại và một điều chắc chắn trong việc sắp xếp lại là sẽ phải chuyển đổi các Chi nhánh thành Văn phòng theo khu vực, tức một tỉnh sẽ thành lập Văn phòng Đăng ký và được bố trí ở nhiều khu vực, điều này thì điển hình tại các bang của Úc đã làm như vậy.

Văn phòng Đăng ký đất đai. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, việc đưa các Văn phòng về một cơ quan quản lý thống nhất thì cũng có những ưu điểm: Bảo đảm tính thống nhất cao về mặt chuyên môn cũng như các quy trình thủ tục, chấm dứt những việc làm sai, làm không đúng thủ tục, khắc phục tình trạng mỗi địa phương một khác.

Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất cao về bộ máy và chuẩn hóa cán bộ chuyên môn trên cả nước; xây dựng các hệ thống thông tin đất đai sẽ khắc phục được sự chậm trễ, thống nhất hơn, là cơ sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai.

Ngoài ra, việc chuyển đổi các Chi nhánh Văn phòng về Văn phòng Đăng ký khu vực sẽ đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục và thuận lợi cho người dân và đặc biệt là khi đã hình thành đăng ký khu vực thì phạm vi địa lý cũng được xóa mờ dần đi. Ví dụ như ở Hà Nội có thể làm Giấy chứng nhận các thửa đất ở các địa phương khác…

Tuy vậy, tôi cho rằng, việc chuyển đổi sẽ còn rất nhiều khó khăn trở ngại. Đầu tiên phải kể đến chi phí ít nhất là trong 5 năm đầu, do phải xây dựng cơ chế, nguồn kinh phí hoạt động cho hệ thống mới là rất lớn, và một điểm lo ngại là khi chuyển đổi các chi nhánh về văn phòng khu vực thì cơ sở vật chất và nhân lực, kinh phí đo đạc cũng là những vấn đề hết sức lưu tâm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trường Giang - Thảo Mai (thực hiện)