Cập nhật dịch COVID-19 sáng 25/6: WB cảnh báo phụ nữ, trẻ sơ sinh gặp nguy hiểm do gián đoạn dịch vụ y tế

Thế giới - Ngày đăng : 11:51, 25/06/2020

(TN&MT) - Một chuyên gia y tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo hàng triệu phụ nữ và trẻ em ở các nước nghèo có nguy cơ cao gặp nguy hiểm vì đại dịch COVID-19 đang làm gián đoạn các dịch vụ y tế, từ chăm sóc trẻ sơ sinh và thai sản đến tiêm chủng và tránh thai.

Một bác sĩ đeo khiên bảo vệ đo nhiệt độ cho một đứa trẻ tại phòng khám sức khỏe di động tại Ahmedabad, Ấn Độ vào ngày 15/6/2020. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Monique Vledder, Chủ nhiệm Ban thư ký Quỹ Tài chính Toàn cầu (GFF) cho biết cơ quan này đã rất lo lắng về số lượng trẻ em bị lỡ tiêm chủng, phụ nữ sinh con mà không có hỗ trợ y tế và việc gián đoạn cung cấp thuốc cứu sống mạng người như thuốc kháng sinh.

“Chúng tôi rất lo ngại về những gì đã xảy ra - đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara”, bà Vledder cho biết khi bà tiết lộ kết quả khảo sát của GFF, một trong những nghiên cứu đầu tiên để đánh giá tác động của COVID-19 đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

“Chúng tôi đã làm việc với nhiều nước rất “mong manh”, đã có những tình huống rất khó khăn khi nói đến việc cung cấp dịch vụ y tế. Điều này đang làm mọi thứ tồi tệ hơn”, bà Vledder nhấn mạnh.

Từ cuối tháng 3/2020, GFF đã thực hiện các cuộc khảo sát hàng tháng với nhân viên địa phương ở 36 quốc gia để theo dõi tác động của COVID-19 đối với các dịch vụ y tế thiết yếu cho phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên.

Chia sẻ kết quả khảo sát với Reuters, GFF cho biết, trong số các quốc gia báo cáo, 87% cho biết đại dịch, những lo ngại về các biện pháp lây nhiễm hoặc phong tỏa nhằm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, đã dẫn đến sự gián đoạn đối với lực lượng y tế.

Hơn ba phần tư các quốc gia cũng xác nhận sự gián đoạn trong việc cung cấp các loại thuốc chính cho mẹ và bé, như thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và oxytocin, một loại thuốc ngăn ngừa chảy máu quá nhiều sau khi sinh.

Số lượng các quốc gia GFF báo cáo sự gián đoạn dịch vụ tăng gần gấp đôi từ 10 vào tháng 4 đến 19 vào tháng 6, và số lượng nước cho biết ít người hơn tìm kiếm các dịch vụ y tế thiết yếu đã tăng lên 22 vào tháng 6 từ 5 trong tháng 4.

Chẳng hạn, GFF nhận thấy ở Liberia, nỗi sợ về COVID-19 đang ngăn cản cha mẹ đưa con đến các phòng khám sức khỏe. Tại Ghana, một số bà mẹ đang mang thai và cho con bú đã chọn cách hoãn dịch vụ tiền sản và tiêm chủng thông thường vì sợ mắc phải đại dịch.

“Chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng giảm ở trẻ em. Chúng tôi thấy rằng phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước hoặc sau sinh ít hơn. Chúng tôi đã thấy số lượng trẻ được sinh ra trong các cơ sở y tế giảm. Và chúng tôi cũng thấy “sự trượt dốc” trong các dịch vụ ngoại trú - ví dụ như điều trị tiêu chảy, sốt rét, sốt, viêm phổi”, Vledder cho biết.

Vledder cho rằng sự tiếp cận với nguồn cung cấp sức khỏe sinh sản giảm nhanh chóng cũng là một mối lo ngại lớn. GFF ước tính nếu tình hình không được cải thiện thì có tới 26 triệu phụ nữ có thể mất khả năng tránh thai ở 36 quốc gia, dẫn đến gần 8 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn.

Cập nhật lúc 6h30 ngày 25/6/2020:
*Thế giới: 9.514.647 người mắc; 483.878 người tử vong
*Việt Nam: 352 người mắc, 0 tử vong.
Tính đến 6h30 ngày 25/6 không phát hiện trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng.
* Bản tin lúc 18h ngày 24/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã phát hiện thêm 3 trường hợp mắc COVID-19 là người trở về từ Kuwait, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 352 ca
Tổng cộng 329 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
313 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 06/3 đến ngày 20/6) được chữa khỏi (giai đoạn 2)

Mai Đan