Tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 21:11, 24/06/2020

(TN&MT) - Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 nhằm xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp thông tin tin cậy phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và là một trong các căn cứ tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp

Đó là thông tin được nêu trong Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6 về việc tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nhất là ứng phó với tác động của dịch COVID-19, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 (gọi tắt là Kỳ thi) để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp thông tin tin cậy phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và là một trong các căn cứ tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là tuyển sinh).

Để kỳ thi và tuyển sinh năm 2020 được triển khai nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là UBND cấp tỉnh) tập trung thực hiện những công việc trọng tâm.

Chỉ thị của Chính phủ yêu cầu, Bộ GDĐT, Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chung về Kỳ thi và thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Bộ có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh; chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Bộ GDĐT ra đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và công tác tuyển sinh, giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi và tuyển sinh.

Bộ GDĐT xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương; xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan của Kỳ thi; đặc biệt là phần mềm và quy trình chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Bộ đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình; phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc.

Bộ GDĐT chịu trách nhiệm tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan; ngăn chặn gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các công việc đơn vị này cần chịu trách nhiệm là: đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi (riêng bài thi trắc nghiệm chấm trên máy tính bằng phần mềm dùng chung của Bộ GDĐT), thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi. UBND cấp tỉnh và trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm phân tích dữ liệu về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh của địa phương; xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Lan Chi