Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2020 – 2025

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:39, 23/06/2020

(TN&MT) - Trong hai ngày 22 - 23/6, Đảng bộ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng chí Võ Tuấn Nhân - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng tham dự có đồng chí Đỗ Thị Tâm - Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Đảng Đoàn thể Bộ TN&MT; đại diện Đảng ủy các đơn vị: Tổng cục quản lý Đất đai, Văn phòng Bộ, Cục Biến đổi khí hậu... cùng 119 Đảng viên thuộc Tổng cục Môi trường.

Ban chấp hành Đảng bộ Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2020 – 2025 ra mắt Đại hội

Hiện nay, Đảng bộ Tổng cục Môi trường có tổng số 18 Chi bộ trực thuộc tương ứng với 18 đơn vị trực thuộc Tổng cục, với tổng số 289 đảng viên (tăng 6,3% so với đầu nhiệm kỳ), chiếm 53,2% cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục. Đây là đội quân tiên phong luôn đi đầu trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Tổng cục Môi trường trong những năm qua.

Đồng chí Võ Tuấn Nhân - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu chỉ đạo Đại hội

5 năm và những chuyển biến thực chất trong bảo vệ môi trường

Phát biểu khai mạc, khi nhìn nhận lại nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng chí Nguyễn Văn Tài – Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, 5 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tổng cục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Lãnh đạo công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học; công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Tổng cục; công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường; triển khai kế hoạch ngân sách nhà nước; tăng cường công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc mới nảy sinh...; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ, công tác dân chủ cơ sở, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật, công tác dân vận.

Đồng chí Nguyễn Văn Tài – Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc

Trình bày rõ những kết quả này, đồng chí Hoàng Văn Thức – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ Tổng cục Môi trường, Phó Tổng cục trường Tổng cục Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, Tổng cục đã đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường tồn tại chưa được giải quyết triệt để; đội ngũ cán bộ còn thiếu cả số lượng và chất lượng, chưa tương xứng với khối lượng lớn công việc được giao cũng như yêu cầu ngày càng cao của xã hội; một số vụ việc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường mới phát sinh...

“Trước bối cảnh đó, Tổng cục đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục. Qua đó, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong Chương trình công tác hàng năm của Tổng cục đều đạt và vượt mức đã đề ra”, đồng chí Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

Toàn cảnh Đại hội

Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, Tổng cục Môi trường đã hoàn thành, giải quyết khối lượng lớn các văn bản, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. Chỉ riêng trong năm 2019, Tổng cục đã tiếp nhận, giải quyết 19.889 văn bản đến, soạn thảo phát hành 12.359 văn bản cấp Tổng cục, trình Bộ ban hành 2.689 văn bản; trong đó có gần 970 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến chính sách, pháp luật, kiến nghị về bảo vệ môi trường; đã trả lời, giải quyết khoảng 880 kiến nghị, chỉ có khoảng 4% văn bản trả lời sau 15 ngày nhận được; 105 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 54 nhiệm vụ có thời hạn do Lãnh đạo Bộ giao, không có nhiệm vụ chậm tiến độ.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được Tổng cục tập trung nguồn lực để thực hiện, coi là trọng tâm đột phá nhằm chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với 53 văn bản được trình các cấp có thẩm quyền ban hành.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, Tổng cục đã hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức bảo vệ môi trường của cơ sở được nâng lên thể hiện qua số lượng cơ sở vi phạm giảm qua từng năm.  

Các công tác thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; ứng phó, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; quan trắc môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… được Tổng cục tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Tổng cục cũng triển khai nhiều quy định mới, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và nhiều quy định có tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường. Nỗ lực bãi bỏ và cắt giảm trên 25 thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 15-25 ngày. Ban hành được quy trình nội bộ trong giải quyết 7 thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2015-2020, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được ô nhiễm môi trường, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng. Xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần. Vấn đề môi trường đã thu hút, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân.

Xây dựng Đảng Bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới

Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Đảng bộ Tổng cục Môi trường về những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng chí Võ Tuấn Nhân - Ủy viên Ban Cán sự Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, những nỗ lực của Đảng bộ Tổng cục đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số bất cập, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, như một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế; cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường, thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường…

Trước những tồn tại đó, đồng chí Võ Tuấn Nhân yêu cầu, cần phải sớm tìm ra nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục để xây dựng Đảng Bộ trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.

Các đại biểu bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, trong giai đoạn tới, Đảng Bộ Tổng cục cần tập trung lãnh đạo Tổng cục xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về BVMT. Trong đó, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Tập trung hoàn thành có chất lượng các Quy hoạch về BVMT, đa dạng sinh học, quan trắc môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật sau khi ban hành cần được ưu tiên triển khai thực hiện một cách đồng bộ

Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường; tăng cường kiểm soát nguồn ô nhiễm; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tổ chức cảnh báo, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về môi trường; nâng cao năng lực quản lý môi trường, thẩm định đánh giá tác động môi trường, quan trắc, giám sát chất lượng môi trường để từ đó biến “nguy” thành “cơ”; thật sự chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa…

Đặc biệt, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa  XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh, thường xuyên học tập và làm theo phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống thành một nội dung quan trọng. Phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị và các đoàn thể vững mạnh...

Thứ trưởng tin tưởng, với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của đội ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động, Đảng bộ Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục phát huy những thành tích của mình, tiếp tục nỗ lực phấn đấu lãnh đạo xây dựng Tổng cục ngày càng vững mạnh và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ; giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra 14 đồng chí trong Ban chấp hành khóa mới. Đồng chí Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tiếp tục được bầu là Bí thư Đảng ủy Tổng cục Môi trường. Các đại biểu cũng thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Môi trường, nhiệm kỳ 2020 – 2025./.

Tống Minh - Ảnh: Trần Văn