Tham vấn về Dự án Thủy điện Luông Phra-bang của Lào trên dòng chính sông Mê Công

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:54, 23/06/2020

(TN&MT) - Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam vừa thông tin về Dự án Thủy điện Luông Phra-bang của Lào trên dòng chính sông Mê Công. Dự kiến, ngày 30/6/2020, tại phiên họp đặc biệt của Ủy ban liên hợp, Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, ý kiến tham vấn của Việt Nam sẽ được công bố cùng ý kiến của các quốc gia thành viên khác.

Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam vừa thông tin về Dự án Thủy điện Luông Phra-bang của Lào trên dòng chính sông Mê Công. Dự kiến, ngày 30/6/2020, tại phiên họp đặc biệt của Ủy ban liên hợp, Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, ý kiến tham vấn của Việt Nam sẽ được công bố cùng ý kiến của các quốc gia thành viên khác.

Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, ngày 31/7/2019, Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án Thủy điện Luông Phra-bang của Lào trên dòng chính sông Mê Công.

 

Căn cứ Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công (năm 1995) và thông tin từ tài liệu của Lào, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện Luông Phra-bang từ ngày 8/10/2019 theo quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế.

Sau giai đoạn tham vấn đầu ở cấp vùng ít nhất trong thời gian 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công Quốc tế sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả các vòng tham vấn quốc gia và vùng, xem xét ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên nhằm quyết định sẽ tiếp tục tham vấn hay tiến tới thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về các kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Trong quá trình 6 tháng thực hiện các hoạt động tham vấn của Việt Nam về Dự án Thuỷ điện Luông Phra-bang do Bộ TN&MT, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì (từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020) đã diễn ra các hoạt động chính bao gồm: Đánh giá sơ bộ tác động của Dự án Thủy điện Luông Phra-bang, đặc biệt, các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án Luông Phra-bang do Lào nộp và Báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Uỷ hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị Ý kiến chính thức của Việt Nam công bố với Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tại Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội. Thành phần tham gia vào quá trình tham vấn bao gồm các bộ, ngành, địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam; các tổ chức Liên hiệp hội khoa học, các tổ chức phi Chính phủ; các nhà khoa học và cộng đồng.

Về quan điểm của Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Phượng chia sẻ, đối với đề xuất Dự án thuỷ điện Luông Phra-bang của Lào, Việt Nam đã gửi ý kiến của mình cho Uỷ hội sông Mê Công Quốc tế. Trong đó, tập trung vào các nội dung cụ thể: Trên cơ sở các kiến nghị của Báo cáo đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội, kết quả tham vấn vùng và quốc gia, các bài học kinh nghiệm từ các nghiên cứu của Việt Nam và Ủy hội và của chuyên gia quốc tế, Chủ đầu tư chưa có đủ số liệu quan trắc, số liệu chưa được kiểm chứng về độ chính xác và vẫn chưa tận dụng hết số liệu có sẵn và đáng tin cậy của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế.

Việc áp dụng các phương pháp đánh giá phân tích còn đơn giản, chưa xem xét hết các yếu tố ảnh hưởng, một số đề xuất giảm thiểu tác động chưa chứng minh được hiệu quả và đáp ứng hết các yêu cầu trong hướng dẫn thiết kế các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công năm 2009 của Ủy hội. Vấn đề an toàn công trình, đặc biệt là bài toán sự cố đập do nguyên nhân động đất chưa được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh quan ngại về mối đe dọa đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực ngày càng tăng.

Phác họa đập Thủy điện Luông Phra-bang của Lào.

Căn cứ kết quả của các nghiên cứu trước đây, tác động lũy tích của tổ hợp các công trình thủy điện dòng chính là rất nghiêm trọng, có thể gây ra các thảm họa môi trường sinh thái và sự cố trước hết trên chính lãnh thổ của Lào và về phía hạ du, đặc biệt, đối với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang tác động ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này. Do đó, cần phải đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện tác động lũy tích của công trình Thuỷ điện Luông Phra-bang và tổ hợp các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công nhằm thực hiện đầy đủ Tuyên bố cấp cao Siêm Riệp, tháng 4/2018, là “các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mê Công có thể gây ra các tác động bất lợi tới môi trường, kinh tế - xã hội, bao gồm cả các tác động xuyên biên giới cần phải được đánh giá đầy đủ và kỹ lưỡng để từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp và hiệu quả”.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các tài liệu của Lào, Việt Nam mong muốn Lào phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công Quốc tế tiếp tục dành thêm thời gian và nguồn lực tiến hành các hoạt động bổ sung bao gồm: Thu thập và đo đạc thêm số liệu cần thiết, hoàn thiện phương pháp đánh giá tác động tổng hợp để có thể đánh giá được đầy đủ và toàn diện các tác động xuyên biên giới và lũy tích của tổ hợp các công trình thủy điện dòng chính, đặc biệt là tổ hợp ba công trình liền nhau khu vực Bắc Lào là Pắc Beng, Luông Pra-bang, và Xay-nha-bu-ly, về hạ du bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Khẩn trương xây dựng một quy trình vận hành liên hồ cho các công trình thuỷ điện của Lào đã và đang được chuẩn bị xây dựng; xây dựng một chương trình giám sát toàn diện về phù sa bùn cát và môi trường trong thời gian xây dựng và vận hành công trình.

Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về đảm bảo an toàn đập của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tiêu chuẩn quốc tế, có kế hoạch ứng phó trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến quản lý rủi ro và đền bù cho người dân bị ảnh hưởng ở hạ du bao gồm cả Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong bối cảnh đã có sự cố công trình và bất ổn về địa chất trong vùng trong thời gian gần đây. 

Công trình Thủy điện Luông Phra-bang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Phra-bang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm cách Việt Nam khoảng 1,800 km. Các thông số chính của công trình bao gồm tổng dung tích hồ chứa: 1.256 triệu m3, công suất thiết kế: 1.460 MW và sản lượng điện hàng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan. Theo kế hoạch, Lào sẽ khởi công xây dựng công trình vào quý 3/2020 và bắt đầu phát điện vào quý 4/2027.

Việt Nam đề nghị, các hoạt động bổ sung nêu trên cần được triển khai thực hiện trước khi tiến hành khởi công xây dựng công trình và tham khảo các cơ sở khoa học và khách quan của các kết quả hợp tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đặc biệt là của Nghiên cứu chung của Ủy hội và các quy định, hướng dẫn kỹ thuật của Ủy hội có liên quan về thiết kế công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công và đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới. Việt Nam đề nghị, Lào thường xuyên cập nhật thông tin về công tác chuẩn bị tiếp theo cho Dự án thủy điện Luông Phra-bang.

Mặc dù, công trình Thủy điện Luông Phra-bang ở khá xa Việt Nam, nhưng tác động của tổ hợp toàn bộ các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông Mê Công là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam. Tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ đáng kể nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Công quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này.

Minh Trang