Thu hút doanh nghiệp đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu
Tin tức - Ngày đăng : 14:25, 23/06/2020
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP)” , do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tổ chức ngày 23/6, tại Hà Nội.
Doanh nghiệp chưa có động lực tiếp cận
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, để phát triển kinh tế một cách bền vững không thể không nhắc đến vài trò của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu các thành phần kinh tế của Việt Nam, sử dụng 83,6% tổng số lao động, đóng góp 37,99% GDP so với 28,63% của khu vực kinh tế nhà nước…
Điều đó cho thấy những đóng góp của khối KTTN rất lớn, có nhiều tiềm năng và cần tiếp tục được tạo thêm điều kiện phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến sự phát triển của KTTN bị hạn chế, trong đó có vấn đề BĐKH. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức từ những tác động của BĐKH thành cơ hội.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo |
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp do tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Cục Biến đổi khí hậu thực hiện, hơn 70% doanh nghiệp được phỏng vấn đã từng chịu tác động của thiên tai/BĐKH, chủ yếu là tổn thất về cơ sở vật chất, tổn thất gián tiếp do giao thông bị cản trở và bị ngắt nguồn điện. Mặc dù vậy, sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động ứng phó BĐKH mới tập trung vào các hoạt động khắc phục, phục hồi sau thiên tai. Rất ít doanh nghiệp đầu tư giảm thiểu rủi ro trước khi thiên tai xảy ra, trong khi đây là đích hướng tới của các hoạt động thích ứng một cách bền vững, lâu dài.
TS Nguyễn Ngọc Huy, đại diện Oxfam Việt Nam cho biết, việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình thực hiện các dự án thích ứng BĐKH còn hạn chế. Theo đó, một số luật như Luật Đất đai 2013, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Phòng chống thiên tai 2013 đã đề cập đến vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân. Tuy vậy, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chủ động tiếp cận các thông tin về luật cũng như văn bản dưới luật.
Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp |
Một số chính sách và luật đang xem khối doanh nghiệp là nhóm cần được quản lý thay vì xem họ là đối tác cùng thực hiện các sáng kiến, kế hoạch thích ứng BĐKH. Nhiều chương trình được đưa ra nhưng không có nguồn kinh phí thực hiện, trong khi không có cơ chế huy động tài chính từ phía doanh nghiệp ngay từ giai đoạn phát triển xây dựng chương trình. Một số chương trình quốc gia dù có đề cập đến sự tham gia của doanh nghiệp nhưng lại thiếu cơ chế tài chính, chưa cho thấy lợi nhuận khi đầu tư trong khi đây mới là yếu tố hấp dẫn doanh nghiệp.
Cần có cơ chế thu hút đầu tư
Trong năm 2019, Cục Biến đổi khí hậu đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định nguồn lực từ khối tư nhân đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực thích ứng với các tác động của BĐKH ở tầm quốc gia, dự thảo NAP nhấn mạnh: Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về thích ứng với BĐKH, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện NAP.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang, BĐKH cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế toàn cầu để tiếp nhận các mô hình kinh tế, chính sách, tài chính mới, phát triển thị trường. Và điểm then chốt chính là sự đổi mới về công nghệ.
Quang cảnh hội thảo |
Theo các chuyên gia, nguyên tắc quan trọng nhất để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng và triển khai NAP là hai bên cùng có lợi. Các doanh nghiệp luôn tìm kiếm lợi ích và nâng cao thương hiệu cho họ. Do đó, cần phải xây dựng một lộ trình phù hợp song song với đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ đề ra trong NAP. Bên cạnh đó, cần giúp doanh nghiệp hiểu rằng việc xây dựng và triển khai NAP vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của doanh nghiệp về ưu đãi thuế, tạo cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận thêm các nguồn hỗ trợ vốn bên ngoài… Giai đoạn NAP tiếp theo rất cần cơ chế thúc đẩy sự tham gia của ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Phía doanh nghiệp cũng đề xuất các cơ quan liên quan cần hỗ trợ phát triển công cụ đánh giá tác động của BĐKH và thiên tai, cũng như đưa ra các quy định, hướng dẫn thống nhất về quy trình đánh giá. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng thuế linh hoạt, phù hợp với hình thức kinh doanh và quy mô doanh nghiệp (ví dụ: đưa ra các khoản khấu trừ thuế theo mức độ giảm phát thải, mức độ thiệt hại do thiên tai…). Trong thời gian tới, cần cung cấp các loai hình bảo hiểm thiên tai và BĐKH phù hợp; cải thiện khung pháp lý về chuyển giao công nghệ và cung cấp các khóa đào tạo về thích ứng BĐKH, quản lý rủi ro thiên tai cho các đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp …