Tâm cao, đức sáng của nhà báo chân chính
Xã hội - Ngày đăng : 13:43, 21/06/2020
Sự phản ánh khách quan ấy là do hệ thống báo chí làm nên. Hệ thống ấy là những con người phóng viên, cộng tác viên cụ thể. Chính họ là cầu nối đem thời sự, thông tin đến cho nhân dân cả nước. Họ là người đại diện cơ quan luật pháp bênh vực, bảo hộ, che chở nhân dân, đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân thì nhất định phải có tấm lòng chân thực, tức là có cái đức sáng, cái tâm cao.
Tác giả trong một lần tác nghiệp tại Biên Hòa Đồng Nai. Ảnh: Văn Thắng |
Đã dấn thân vào nghề làm báo nếu gặp sự cố “lực bất tòng tâm” âu cũng là chuyện thường tình. Bài viết không đạt được ý muốn, có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của ngòi bút ấy là cái tâm của người viết. Cái tâm thiếu trong sáng tất dẫn đến hành vi không lành mạnh. Vì cái tâm là trách nhiệm, là động cơ nghề nghiệp để nhà báo hành động đúng đắn.
Bác Hồ dạy, viết báo phải biết: Viết cho ai, viết về cái gì, viết như thế nào. Bác không chỉ truyền đạt nguyên tắc kinh nghiệm nghề nghiệp cho những người cầm bút mà chính xác là định hướng đi cho một nhà báo chân chính, đó là phải đặt quan điểm phục vụ quần chúng lao động là đối tượng nhận thức và phản ánh của báo chí vô sản.
Tác nghiệp ở giàn khoan. Ảnh: Văn Trực |
Phóng viên báo chí là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng thì cái tâm của người làm báo phải được bộc lộ qua sự sắc sảo linh hoạt của ngòi bút và không được xa rời định hướng. Không chỉ làm nhiệm vụ biểu dương ca ngợi mà còn kịp thời phanh phui lên án những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống. Biểu dương ca ngợi một chiều là phiến diện, là tô hồng hiện thực. Phê phán chỉ trích không đúng lúc đúng chỗ hoặc vòng vo tam quốc, động cơ sai lạc sẽ làm nhiễu thông tin, giảm lòng tin của bạn đọc với báo giới, gây “hình ảnh ngược” phản tác dụng. Đấy là hậu quả của thiếu cái tâm trong sáng.
Một bài báo hay chưa hẳn đã là thứ thiệt, nhưng một sản phẩm thứ thiệt nhất thiết phải hay. Một bài báo hay trước hết phải phản ánh khách quan trung thực, đúng bản chất của vấn đề, sự kiện. Điều đó chỉ có thể có ở nhà báo có năng lực trình độ, và quan trọng hơn là có cái tâm trong sáng. Mỗi ấn phẩm báo chí phải cố gắng vươn đến cái đích trong sáng ấy.
Trong thời gian qua, cá biệt có nhà báo lợi dụng chức năng quyền hạn của mình để phản ánh sai lệch hiện thực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp phải hầu toà. Rồi không ít nhà báo vì tham tiền đã bán rẻ lương tâm, đưa thông tin sai lệnh, thậm chí “dìm chết” một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra cũng chỉ vì cạnh tranh giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp nọ trên thương trường. Chứng tỏ rằng cái tâm của nhà báo ấy đã bị nhuốm chàm, bị tha hoá bởi đồng tiền vẩn đục mà quên đi đạo đức trong sáng. Rồi cũng có nhà báo run sợ trước “cái bóng” của “sếp” mình khi biết chính “sếp” của mình cũng tiêu cực cũng tham nhũng, không dám nói lên sự thật sợ “đụng chạm” mất việc.
Phóng viên hay cộng tác viên, nói chung là những người làm báo thời nay luôn phải đối mặt với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Song tiêu chí đấu tranh với cái ác là xả thân vì cái thiện không phải nhà báo nào cũng hiểu, cũng làm được. Do mặt trái của cơ chế thị trường, không ít kẻ đã bị đồng tiền dìm mất dạng. Nhiều nhà báo cả đời phấn đấu mà vẫn không tìm thấy cái chân, thiện, mỹ của báo chí, bởi luồn lách để làm ăn vụ lợi, thoả mãn nhu cầu vật chất nhưng xấu hổ với lương tâm. Những nhà báo cố tình nói dối, cố tình ghi chép sai, hoặc nhắm mắt làm thinh trước những vụ việc phi đạo lý, trái pháp luật, ngộ nhận, tự cho phép mình “phán xét”, đứng trên người khác mà “thuyết lý”, trái với luân thường đạo lý, đấy là những nhà báo thiếu tâm thiếu đức mắc tội với nhân dân, với xã hội.
Không ai khác, chính nhà báo phải là người thực hiện những qui tắc đạo đức nghề nghiệp. Không nói dối, nói sai và lợi dụng nghề nghiệp làm trái thế đạo, nhân dân. Nhà báo được xã hội tin cẩn, được xã hội tin tưởng là người đại diện đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân, bênh vực quyền lợi của dân thì càng phải rèn tâm luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của cái nghiệp. Cái tâm nhất quán phải được rọi sáng trong từng tác phẩm báo chí. Phải có tâm cao, đức sáng đó là văn hóa, là trình độ nghề nghiệp của nhà báo chân chính