TP.HCM đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch
Môi trường - Ngày đăng : 18:24, 18/06/2020
Đoàn viên thanh niên thu gom rác thải, xóa "điểm đen" ô nhiễm |
Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến hết năm 2020, vận động hơn 80% hộ dân trên địa bàn Thành phố thực hiện Bản cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. 100% hộ dân đăng ký thu gom rác thải tại khu vực có tuyến thu gom. Riêng các địa bàn chưa có tuyến thu gom, 100% hộ dân thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh tại hộ gia đình. 100% hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt tiền đường giữ gìn vệ sinh môi trường, tự trang bị thiết bị lưu chứa rác thải.
TP.HCM cũng phấn đấu 100% phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị được tiếp cận và xử lý kịp thời; 100% điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên trên địa bàn thành phố được giải quyết và duy trì chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan tại các khu vực đã cải tạo, chuyển hóa, không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới; 20% phường, xã, thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu…
Đối với các giải pháp thực hiện, UBND TP.HCM yêu cầu duy trì 100% phường - xã - thị trấn trên địa bàn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường nhằm tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát các quận, huyện đã vận động hơn 80% hộ dân trên địa bàn thực hiện bản cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch.
TP.HCM cũng duy trì triển khai phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường; phấn đấu giải quyết 100% phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh môi trường, các trường hợp lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng thu nước, công trình lấn chiếm trên kênh rạch. Triển khai hướng dẫn việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân cư để thực hiện việc xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường bằng hình thức gián tiếp từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ ban hành các chính sách để hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ thực hiện nội dung này.
Về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, TP.HCM sẽ thực hiện theo phương thức mới với chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 2 nhóm (nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại).