Những dấu chân không mỏi

Xã hội - Ngày đăng : 18:22, 18/06/2020

(TN&MT) - Báo chí là bức tranh của cuộc sống. Cuộc sống bộn bề sự kiện diễn ra hàng ngày rất nóng bỏng. Người làm báo phải đằm mình trong những sự kiện mới có được thông tin truyền đến người đọc. Thông tin hàng ngày trên báo chí, với đủ góc độ của những cách nhìn đa chiều càng làm cho cuộc sống thi vị thêm. Làm nên những điều ấy không ai khác chính là những người làm báo.

Nhân Kỷ niệm 95 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng gửi đến đến độc giả những dòng tâm tư, những trải nhiệm nghề của các thế hệ người làm báo.

Nhà báo Nguyễn Dũng – Trưởng Phòng Thư ký – Biên tập: Phóng viên thường trú cần có tâm, thế và nghề

Tính tuổi nghề, đến nay, tôi làm nghề báo đã tròn 20 năm. Quãng thời gian không dài, cũng không phải là ngắn cho tuổi nghề. Nghề báo, với những niềm vui trên mọi nẻo đường, với những sản phẩm báo chí, với những vui buồn, áp lực bài viết trước những vấn đề “nhạy cảm”… Nhưng với tôi, có lẽ nỗi niềm của phóng viên thường trú đọng lại trong tâm trí của người làm báo nhiều nhất. Không như một phóng viên tại Tòa soạn, phóng viên thường trú thường là những người tự tìm tòi, tự xây dựng, tìm hiểu và tự triển khai đề tài.

Nhớ nhất ngày đầu tiên khi bước chân vào nghề báo, được Tòa soạn phân công về địa phương làm thường trú. Chân ướt, chân ráo về đến tỉnh lẻ, tôi rất bỡ ngỡ: Viết gì đây và viết như thế nào? Câu hỏi đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Vào thời điểm đó, trên địa bàn các tỉnh lẻ như Thanh Hóa số đầu Báo có Văn phòng Đại diện chỉ đếm trên ngón tay, nên số lượng phóng viên thường trú ít, tôi lại không quen ai nên quyết định vào Thư viện tỉnh lục cả chồng báo địa phương cũ ra đọc và đến ngay Bưu điện đặt mua một số báo cho riêng mình. Bằng cách đó, một thời gian ngắn tôi đã có một kho thông tin về các đề tài.

Nhà báo Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng Thư ký – Biên tập

Vào những năm 1999 đầu 2000, những phóng viên mới “chập chững” vào nghề như tôi, hành trang chẳng có gì ngoài chiếc máy ảnh Patika của Liên Xô cũ rích chụp bằng những phim cuộn rẻ tiền, chiếc máy ghi âm chay bằng băng cát xét. Mỗi khi viết bài xong, sửa lên, sửa xuống, sửa xong viết lại sạch sẽ, sau đó, đến Bưu điện fax ra Tòa soạn. Nhưng có lẽ khổ nhất là khâu tráng ảnh, rửa ảnh, chọn ảnh để gửi. Cũng vì không có tiền nên ảnh chụp rất hạn chế, khi rửa ảnh lại không dám rửa hết mà ta tiệm để tráng ảnh sau đó chọn những bức ảnh đẹp nhất, phù hợp nhất mới gửi đi.

Nhớ nhất là hôm được Tòa soạn phân công về một huyện miền núi đưa tin một đồng chí lãnh đạo Đảng về làm việc. Để chuẩn bị tốt công việc, đêm hôm trước tôi ra hiệu ảnh mua một cuộn phim mới. Yên tâm với hành trang đầy đủ, sáng sớm hôm sau, tôi “vù” ngay đi trên con xe máy cà tàng, đến nơi cũng vừa lúc Hội nghị tổ chức, tôi tranh thủ lấy tin và chụp ảnh. Vì thời điểm đầu những năm 2000, các huyện miền núi Thanh Hóa ít có hiệu ảnh nên tôi lại “vù” ngay về thành phố không kịp ăn uống gì. Viết bài xong, “hí hửng” chạy ra hiệu ảnh với tâm trạng sảng khoái có những bức ảnh đẹp. Một lúc sau anh thợ rửa ảnh ra thông báo: Máy của anh không có ảnh vì phim bị trượt rồi. Trời, thế là cả ngày đi công cốc rồi, lấy ảnh đâu ra để gửi đây? Tôi đành phải điện ra Tòa soạn nói thật tất cả. Anh Thư ký Tòa soạn ôn tồn nói: “Ừ anh biết rồi, lần sau nhớ cẩn thận khi tác nghiệp em nhé”. Câu động viên của anh đã dẫn dắt nghề làm báo của tôi cho đến nay, cứ mỗi khi đi tác nghiệp tôi chuẩn bị rất kỹ cho hành trang của mình.

Những chuyến đi tìm hiểu để viết bài về những vụ phá rừng phòng hộ, về đời sống của những người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước… Nhưng có lẽ trong tâm trí tôi không thể nào quên về trận lũ lụt lịch sử tại huyện Thạch Thành năm 2008, hay trận lũ ống, lũ quyét tại các huyện miền núi: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa năm 2018, mỗi bài viết là một kỷ niệm. Cũng chính sự lăn lộn, xông pha đó đã cháy lên trong tôi lòng yêu nghề, gắn bó với nghề.

 Mặc dù, giờ đây tôi đã chuyển về Phòng Thư ký - Biên tập công tác tại Tòa soạn nhưng với tôi, những kỷ niệm về nghề báo, về phóng viên thường trú mãi không bao giờ quên, những ngày tháng đó đã dạy tôi tất cả mọi thứ về nghề, về trải nghiệm cuộc sống…

Nhà báo Xuân Hợp, Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập: Nghề báo là thư ký của thời đại

Tôi không ưa dùng từ “cao quý” cho một nghề nào đó, với tôi mọi nghề nghiệp lương thiện đều cao quý như nhau. Nghề báo nuôi sống tôi và các đồng nghiệp bằng lương và nhuận bút. Và cũng như mọi nghề nghiệp khác, tôi làm công việc của mình với hết năng lực và trách nhiệm để không hổ thẹn với đồng lương nhận được.

Đích đến của những tác phẩm báo chí là chinh phục được trái tim bạn đọc, làm thế nào đó để họ có thể ái, ố, hỉ, nộ theo bài viết hay nhận ra cuộc sống của chính mình. Đúng là phải có niềm tin mãnh liệt và lòng say mê yêu nghề, nhà báo mới có thể ngày đêm bên trang viết, đồng hành cùng với nhịp sống xã hội ngoài kia. Không hề sai nếu nói "nghề báo là thư ký của thời đại". Chính vì thế mà phản ánh thời đại có chân thực hay không phụ thuộc vào tư cách và tài năng của người làm báo. Những yếu tố như trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, sự tỉnh táo và cách thuyết phục của một nhà báo sẽ làm nên thành công.

Nhà báo Xuân Hợp, Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập

Trong dòng chảy thông tin 4.0, hiệu ứng dư luận của báo chí là rất lớn, càng đặt lên vai người làm báo trọng trách nặng nề. Đi tới cùng sự thật, bạn đọc đang chờ đợi những bài báo sắc sảo phân tích, lý giải đến tận cùng ngọn nguồn của những sự kiện nóng. Cần bản lĩnh của người cầm bút. Cần một tư duy sáng láng để mỗi ngày những thông tin mà báo chí đưa ra gây được hiệu ứng xã hội.

 Giống như người nông dân “cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa”, người làm báo say nghề sẽ cảm nhận được hạnh phúc những giọt mồ hôi thánh thót trên từng trang viết của mình! Không ít biên tập viên, thư ký tòa soạn ở các tờ báo ra hàng ngày cứ 21 - 22 giờ khuya, thậm chí, tới tờ mờ sáng hôm sau mới buông tay rời trụ sở! Không say nghề thử hỏi sao có được sức bền dẻo dai như thế?!q

Phóng viên Nguyễn Đức Việt, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình TN&MT: Cạnh tranh tốc độ, làm báo bằng smartphone

Trước đây,  sử dụng máy quay băng (máy cơ), khi quay xong một tin, phóng sự phải sử dụng thủ thuật “nạp băng” để xử lý, do đó mất khá nhiều thời gian.

Trong khi đó, việc quay phim bằng máy kỹ thuật số hiện nay tiện dụng hơn rất nhiều, hình ảnh sắc nét, chân thực và dễ dàng thao tác cho người dùng. Sau khi quay xong tin, phóng sự chỉ cần copy các trường đoạn trong thẻ nhớ cho vào bàn dựng chuyên dụng biên tập lại, xuất bản là cơ bản hoàn thành công việc.

Phóng viên Nguyễn Đức Việt

Đối với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, theo tôi chỉ cần trong tay có một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) kết nối Internet, người làm báo có thể thao tác thành công một sự việc, tin bài viết chuyển ngay về tòa soạn mà không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào khác! Bởi, hầu hết điện thoại thông minh đều tích hợp chức năng chụp ảnh, quay phim, ghi âm, chỉnh sửa ảnh, biên tập phim...

Có những lúc tác nghiệp trong không gian hẹp, những smartphone với những tính năng ưu việt chính là “phao cứu sinh” cho chúng tôi để có thể hoàn thành được nhiệm vụ toà soạn giao, mang đến những thông tin hữu ích đến cho bạn đọc.

Trong dòng chảy công nghệ hiện nay, thông tin, hình ảnh không chỉ đầy đủ, kịp thời mà còn phải trực quan hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của độc giả hiện nay. q

Nhà báo Khương Trung, Phòng Báo điện tử: Dấn thân, tìm tòi, vẫn cần sự “gạn đục khơi trong”

Những lần đi công tác, chiếc balo thiết bị phục cho cho công việc nặng trên 10kg luôn ở trên lưng. Các thiết bị luôn trong sẵn sàng để phóng viên tác nghiệp theo điều kiện hoàn cảnh. Với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay, sẽ phải đòi hỏi người làm báo hiện đại phải cập nhật thường xuyên phương những thức tác nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của độc giả một cách nhanh nhất, khách quan nhất và chính xác nhất.

Tôi nhớ lần đi tháp tùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các hoạt động ở Bạc Liêu năm 2019 kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam… Buổi sáng hôm đó, trong hoạt động trồng cây ở rừng ngập mặn ven biển, lưng đeo balo nặng trịch, chân lội bùn tới đầu gối, một tay vừa sẵn sàng chụp ảnh các hoạt động trồng cây, tay kia thì chuẩn bị ghi âm để ghi lại phát biểu của đại biểu… Chưa hết, tôi có tranh thủ lấy Flycam quay lại những thước phim từ trên cao, với cảnh đoàn người đông như vậy nhưng vẫn nhỏ bé trước thiên nhiên, trước rừng tràm, rừng đước bạt ngàn hùng vĩ…

Nhà báo Khương Trung

Tôi hoàn thành được nhiệm vụ, một phần cũng là được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng nghiệp. Bởi vì, cũng như tôi, các đồng nghiệp của tôi đều hiểu rằng, dù trong thời đại công nghệ 4.0 này, một phóng viên có thể kiêm nhiều vai nhưng công nghệ luôn thay đổi liên tục, học hỏi từ đồng nghiệp sẽ giúp mình tiến bộ hơn. Muốn đi xa thì đi cùng nhau – tôi nghĩ vậy!

Có thể khẳng định rằng, báo chí là một công tác đặc thù, công nghệ có thể hỗ trợ công tác làm báo phù hợp với cuộc sống hiện tại nhưng không thể thay đổi bản chất của báo chí. Để có một tác phẩm báo chí phục vụ bạn đọc, vẫn cần có sự dấn thân, tìm tòi, vẫn cần sự “gạn đục khơi trong” trong khâu biên tập và xuất bản.

Nhà báo Trường Giang - Phòng Báo điện tử: Luôn thường trực “lửa nghề” trong mỗi hành trình

Trong hơn chục năm gắn bó với nghề báo, tôi có rất nhiều kỷ niệm về những miền đất, những con người. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là chuyến đi hơn một tuần tại tỉnh Cao Bằng và Hà Giang tìm hiểu viết bài về khả năng sinh lời cao và các chính sách ưu đãi đầu tư dẫn đến sự phát triển ồ ạt của các dự án thủy điện. Hệ quả của nó là khiến nhiều dòng sông phải quằn mình cõng thủy điện gây nguy cơ lũ lụt, chất lượng môi trường bị suy giảm, giảm lượng phù sa, tranh chấp nguồn nước, tích nước không xả theo giấy phép nước mặt, ảnh hưởng tới cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhà báo Trường Giang

Hơn một tuần, tôi đã đi và làm việc tại một số Thủy điện như: Thủy điện Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng); Thủy điện Bản Rạ (Trùng Khánh, Cao Bằng); Thủy điện Bảo Lâm 1 (Bảo Lâm, Cao Bằng); Thủy điện Hòa Thuận (Nguyên Bình, Cao Bằng) ; Thủy điện Tiên Thành (Quảng Uyên, Cao Bằng); Thủy điện Sông Miện 5 (Vị Xuyên, Hà Giang)…

Các Thủy điện thường đặt ở vùng sâu, vùng xa, người dân bị tác động (phải di dời, bị ảnh hưởng) cũng nằm tại các bản giao thông không thuận lợi nên khi muốn lấy ý kiến của họ nhiều khi chúng tôi phải đi bộ từ 2 - 3 km.

Tôi đã phát hiện hàng loạt vấn đề trong chuyến đi như: Chặn dòng, tích nước, chưa nói tới hệ lụy về sinh thái, tranh chấp nguồn nước, khiếu kiện, chậm tiến độ xây dựng theo Giấy phép… Việc xây dựng thủy điện vô tình tạo một nghề mới là người dân ra gần chân đập bắt đánh bắt thủy sản có thể dẫn tới các hệ lụy khôn lường. Sau khi làm việc với doanh nghiệp, tôi đã phản ánh các nội dung này với chính quyền 2 tỉnh và nhận được sự ghi nhận. Các địa phương khẳng định, sẽ kiểm tra xử lý.

Sau đó, loạt bài phóng sự 5 kỳ “Thủy điện nhỏ - Mối lo lớn” của tôi đã được đăng tải vào đầu tháng 5/2017. Thật hạnh phúc khi đầu năm 2018, phóng sự này đã được lựa chọn và trao giải A về đề tài môi trường, biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai tại Hội báo chí toàn quốc 2018. Đây quả thực là niềm vinh dự và tự hào, tiếp thêm “lửa” nghề để tôi yêu và gắn bó hơn với nghề báo.

Phóng viên Mai Đan – Phòng Báo điện tử: Nghề báo - khó khăn nhưng đầy thú vị

Nhắc đến những khó khăn ngày mới làm việc tại Báo Tài nguyên và Môi trường, có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong chuyến công tác tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cuối năm 2014.

Đến thị xã Lai Châu vào một ngày đông giá rét, tôi “một thân một mình” bắt xe khách về Sìn Hồ. Hành trình từ thị xã Lai Châu đến Sìn Hồ dài hơn 4 tiếng đồng hồ trong một ngày mưa lạnh không hề đơn giản. Mỗi khi đi qua những đoạn đường đất trơn trượt hay những đoạn đang thi công, tôi cảm giác như đầu có thể chạm tới nóc xe.

Phóng viên Mai Đan

Đến Sìn Hồ, tôi thấy đâu đâu cũng là núi, là rừng. Nếu chưa đặt chân đến mảnh đất này, có lẽ ít ai cảm nhận được và hình dung vẻ đẹp hoang sơ như tranh vẽ của núi rừng nơi đây. Ngày đó, để lên được cánh rừng trồng thảo quả của ông Mùa A Tháo, bản Mao Sao Phìn, xã Xà Dề Phìn, tôi cùng với anh Hoàng Hữu Tự, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sìn Hồ phải chèo mảng gần 1 giờ đồng hồ qua khúc sông dài hơn 2 km trong thời tiết lạnh thấu xương.

Chiếc mảng ọp ẹp mà chúng tôi mượn được của ông Mùa A Tháo cứ dập dềnh trên sông nước. Thậm chí, mỗi khi mưa to gây sóng lớn trên sông, mảng như sắp lật, khiến tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Cho dù vậy, tôi vẫn cố gồng mình cùng anh kiểm lâm chèo đến cánh rừng thảo quả để có được những tấm hình “đắt” cho bài viết. Đôi tay đỏ ửng vì chèo mảng.

Hành trình khó khăn, vất vả không dừng lại ở đó. Để có thêm bức tranh sinh động về cuộc sống của người dân nơi đây, tôi cùng anh cán bộ kiểm lâm tiếp tục “đội mưa” đến nhà ông Hạng A Dình, bản Sảng Phìn, xã Xà Dề Phìn. Ngôi nhà của ông toạ lạc trên vùng đất cao, để đến đó, chúng tôi đã phải đi ủng, dồn hết sức bình sinh mới nhấc được chân và đẩy chiếc xe máy qua đoạn đường vừa dốc, vừa xóc, vừa trơn, vừa lầy lội. Lúc đó tôi cảm giác chặng đường mình đang đi dài như… một thế kỷ.

Trong những khoảnh khắc đó, tôi mới cảm nhận rõ nghề báo là nghề thú vị vì được đi nhiều, được biết nhiều nhưng cũng là một nghề vô cùng vất vả!

Phóng viên Tuyết Chinh – Phòng Báo Điện tử: Chọn nghề, chọn đam mê

Có nhiều cách để bước chân vào nghề báo, bạn chủ động chọn nghề hay nghề vô tình chọn bạn. Dù ở trường hợp nào, một nhà báo cũng không thể sống nổi với nghề nếu không có đam mê.

Tôi yêu thích nghề báo từ ngày còn học phổ thông, xuất phát từ niềm đam mê “những chuyến đi”. Bởi vậy, bằng sự lựa chọn của chính mình, tôi - một cô học sinh chuyên Toán quyết định ngã rẽ khác khi thi vào ngành báo chí.

Được đào tạo đúng chuyên ngành, tôi hăm hở bước vào nghề báo với bao dự định và hành trang của 4 năm mài đũng quần trên ghế trường đại học. Bước chân vào nghề, gắn bó với công việc phóng viên, tôi mới nhanh chóng nhận ra muôn bài học về nghề báo mà chỉ có “trường đời” chứ không trường lớp nào dạy được.

Phóng viên Tuyết Chinh

Nghề báo tuy vất vả nhưng luôn mang lại nhiều cảm xúc. Những lần đi cơ sở, những chuyến đi vượt hàng trăm cây số đến nhiều vùng, dù là nông thôn hay thành thị đều để lại những cảm xúc, những kỷ niệm khó quên. Chúng tôi thường nói vui là những chuyến dã ngoại bổ ích vì được tìm hiểu thêm về phong cảnh, con người; những cuộc tiếp xúc ấn tượng với nhiều người từ lãnh đạo địa phương đến những người nông dân chân lấm tay bùn... Càng đi nhiều, vốn sống càng dày, sự trải nghiệm càng lớn giúp chúng tôi càng thêm yêu cuộc sống, sự đam mê với nghề cũng lớn dần.

Kể sao hết được vất vả của nữ phóng viên trẻ luôn túc trực đêm ngày cùng với các đơn vị dự báo khi bão, lũ đang về; kể sao hết những khó khăn của chuyến đi “ăn nằm cơ sở” để ghi lại hiện trường đốt rác khủng khiếp ở một vùng quê, hay những lần lên núi rác cao bằng “lưng trừng trời”… Thế nhưng, với một phóng viên thời sự, không chỉ lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà chúng tôi còn phải chịu áp lực về thời gian khi làm tin, nộp bài đúng ngày giờ.

Từng trang viết, tôi thể hiện từng quan điểm của mình về từng sự kiện trong đời sống. Được nói, được nghĩ, được viết, được thể hiện - đó phải chăng là một thứ vinh quang riêng có của những người làm báo như tôi? Chính vinh quang ấy vừa là một động lực giúp tôi tiến lên trong nghề, vừa là một sự thỏa mãn, giúp tôi có thể tiêu tan rất nhiều những chất chứa, dằn vặt về tư duy.

Phóng viên Hoàng Ngân - Phòng Báo điện tử: Đến với nghề từ một lần lên “đỉnh rác”

Tôi vẫn luôn nhớ ngày đó, lần đầu tiên theo các anh, chị tác nghiệp ở khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội). Tôi không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ.

Đó một ngày nắng nóng đầu tháng 8/2019. Khi bước chân xuống ô tô, tôi bị choáng ngợp bởi cảnh tượng trước mắt. Phía trước tôi là những ô chôn lấp rác thải chất cao như núi. Xa xa, trên “đỉnh núi rác” có tốp 5, 6 công nhân đang che phủ bạt.

Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đã từng được ti vi và báo chí đưa tin, đề cập đến rất nhiều bởi vì nơi đây từng là một trong những điểm nóng về môi trường. Khu xử lý chất thải này đã từng có nhiều đơn vị vận hành khiến cho việc kiểm soát chất lượng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường của các cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, tồn tại nhiều bất cập khiến người dân bức xúc, từng nhiều lần tổ chức ngăn chặn không cho xe đi vào khu xử lý.

Phóng viên Hoàng Ngân

Chuẩn bị kỹ càng “đồ nghề” từ lúc trên xe vậy mà khi xuống xe tôi không biết phải làm gì trước. Nhìn thấy biểu hiện lo lắng trên khuôn mặt tôi, chị đồng nghiệp đã trấn an: “Lần đầu đi làm ai cũng như vậy đó, cứ bình tĩnh đi em. Ghi chép cẩn thận và chụp ảnh nhé”. Nghe vậy, tôi cảm thấy an tâm, bớt phần lo lắng.

Dưới thời tiết oi ả của buổi trưa hè, chúng tôi theo xe tải đi lên đỉnh một ô chôn lấp vẫn đang tiếp nhận rác. Các chuyến xe tải chở rác hàng ngày vẫn đều đặn đi lên xuống. Xe ủi và công nhân vẫn đang miệt mài, cần mẫn với công việc của mình. Cảm nhận đầu tiên của tôi lúc đó là bàng hoàng lẫn ngạc nhiên vì tôi đang đứng giữa “đỉnh rác”, nhưng lại không bốc mùi quá hôi thối hay ruồi muỗi bu quanh như tôi tưởng tượng.

Trở về vào cuối giờ chiều, người ai cũng phảng phất một chút mùi của “rác”. Mọi người lại cười đùa trêu tôi “Phóng viên môi trường là như vậy đó”. Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được nghề báo chắc chắn là nghề vất vả, nhưng bù lại những chuyến đi như vậy thực sự là trải nghiệm đáng quý đối với tôi.

 

Nhóm PV